12. Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên dựa vào những quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống. (khoản 11 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)
Giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống. (khoản 9 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)
2. Điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản 2017 và khoản 1 Điều 20 Nghị định 26/2019/NĐ-CP):
– Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng;
– Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.
– Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
– Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Lưu ý:
– Trường hợp đủ điều sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép (điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản 2017).
3. Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 3 Điều 25 Luật Thủy sản 2017):
– Bị mất, hư hỏng;
– Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
4. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồiGiấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bao gồm (khoản 1 Điều 25 Luật Thủy sản 2017 và khoản 1 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP):
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra duy trì điều kiện đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
5. Kiểm tra việc duy trì điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở (khoản 2 Điều 25 Luật Thủy sản 2017).
Nội dung kiểm tra gồm (khoản 5 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP):
– Kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận;
– Kiểm tra thực tế tại địa điểm sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản 2017 và Điều 20 Nghị định 26/2019/NĐ-CP;
– Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản.
Lưu ý:
– Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng; trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng (khoản 6 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).
6. Thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản 2017):
– Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
– Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 Luật Thủy sản 2017;
– Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
Lưu ý:
– Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (khoản 7 Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP).
7. Xử phạt vi phạm hành chính
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định (khoản 3 Điều 10 Nghị định 42/2019/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định (khoản 4 Điều 10 Nghị định 42/2019/NĐ-CP).
Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc chuyển mục đích sử dụng giống thủy sản nếu đáp ứng quy định của mục đích chuyển đổi; trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy giống thủy sản, giống thủy sản bố mẹ (điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định 42/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được quy định Khoản 9, 11 Điều 3, Khoản 1 Điều 24 và Khoản 3 Điều 25 Luật thủy sản 2017; Khoản 1 Điều 20 và Điều 21 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản