2. Công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen

Posted on

Việc công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Giống cây trồng biến đổi gen là cây trồng có cấu trúc gen bị thay đổi do công nghệ chuyển gen tạo ra được sử dụng cho mục đích làm giống cây trồng (khoản 2 Điều 3 Thông tư 69/2009/TT-BNNPTNT (đã hết hiệu lực)).

Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học là những qui trình kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm được tạo ra bằng các kỹ thuật, công nghệ và phương pháp của công nghệ sinh học đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện theo qui định của Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định công nhận và cho phép áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam (khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT).

Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học được công nhận khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT như sau:

– Hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn so với kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm đang sử dụng phổ biến trong sản xuất.

– Phù hợp yêu cầu sản xuất (cơ cấu cây trồng, mùa vụ; giảm mức độ nhiễm sâu bệnh; sản xuất sạch, thân thiện môi trường, thích ứng, né tránh điều kiện ngoại cảnh bất thuận, có tính cạnh tranh cao hơn, bảo vệ sức khoẻ con người, phát triển ngành nghề truyền thống, chất lượng sản phẩm tốt hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất, phong tục tập quán và một số lợi thế khác).

– Đã được khảo, kiểm nghiệm đáp ứng các qui định hiện hành về khảo, kiểm nghiệm công nhận giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm cải tạo đất, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccin, sản phẩm sử dụng trong bảo quản, chế biến nông, lâm thủy sản và xử lý môi trường.

– Giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật biến đổi gen chỉ được công nhận là Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học  khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn đối với đa dạng sinh học, môi trường và/hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

2. Công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen

Quy định tại Điều 7 Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT bao gồm các vấn đề sau đây:

2.1. Đối với Tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học đăng ký công nhận là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài, dự án) cấp nhà nước, cấp bộ hoặc tương đương đã nghiệm thu và được Hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu đề nghị công nhận, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường căn cứ hồ sơ đăng ký trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định công nhận trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày chấp nhận hồ sơ đăng ký.

2.2. Đối với tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học đăng ký là giống cây trồng đã nằm trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là giống nền) có chứa một hoặc tổ hợp một số sự kiện chuyển gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi là giống cây trồng biến đổi gen) được xem xét công nhận đặc cách khi giống cây trồng biến đổi gen đảm bảo các điều kiện sau đây:

Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT:

+ Hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn so với kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm đang sử dụng phổ biến trong sản xuất.

+ Phù hợp yêu cầu sản xuất (cơ cấu cây trồng, mùa vụ; giảm mức độ nhiễm sâu bệnh; sản xuất sạch, thân thiện môi trường, thích ứng, né tránh điều kiện ngoại cảnh bất thuận, có tính cạnh tranh cao hơn, bảo vệ sức khoẻ con người, phát triển ngành nghề truyền thống, chất lượng sản phẩm tốt hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất, phong tục tập quán và một số lợi thế khác).

– Giống cây trồng biến đổi gen tương đồng với giống nền về các tính trạng hình thái đặc trưng chủ yếu, trừ những tính trạng bị tác động bởi sự kiện chuyển gen.

2.3. Trường hợp giống cây trồng biến đổi gen đã được khảo nghiệm so sánh với giống nền đồng thời với quá trình khảo nghiệm đánh giá rủi ro: Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen lập hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách.

2.4. Trường hợp giống cây trồng biến đổi gen chưa được khảo nghiệm so sánh với giống nền:

– Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen xây dựng kế hoạch khảo nghiệm so sánh, bao gồm khảo nghiệm so sánh diện hẹp và diện rộng theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT gửi về Cục Trồng trọt;

– Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm được chỉ định để thực hiện khảo nghiệm so sánh diện hẹp ít nhất 01 vụ sản xuất tại 02 địa điểm;

– Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen thực hiện khảo nghiệm so sánh diện rộng tại các vùng sinh thái nông nghiệp khuyến cáo sử dụng giống, mỗi vùng ít nhất 01 vụ, tại 01 địa điểm, quy mô tối thiểu 01 hecta/01 điểm;

– Khảo nghiệm so sánh diện hẹp có thể tiến hành trước hoặc đồng thời với khảo nghiệm so sánh diện rộng;

– Trong quá trình khảo nghiệm so sánh, Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra và lập biên bản tại địa điểm khảo nghiệm;

– Kết thúc khảo nghiệm, tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen lập hồ sơ đăng ký công nhận đặc cách.

>> Hồ sơ đăng ký, trình tự thủ tục công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen được quy định chi tiết tại Điều 1 Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT.

Kết luận: Tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp về Cục Trồng trọt khi có như cầu được công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen theo trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 7 Thông tư 23/2010/TT-BNNPTNT được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 29/2014/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen