8. Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị về Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng hoặc Bằng bảo hộ cho chủ sở hữu mới. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT.
1. Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Giống cây trồng chưa được chủ sở hữu nộp đơn đăng ký bảo hộ sau khi được chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật thì bên nhận chuyển giao có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ đó theo quy định. (khoản 1 Điều 11 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT)
Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này và bổ sung thêm tài liệu chứng minh quyền nộp đơn là bản hợp đồng chuyển giao quyền chủ sở hữu cây trồng đó (bản chính hoặc bản sao chứng thực) bằng tiếng Việt hoặc phải dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai. (khoản 1 Điều 11 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT)
2. Nội dung hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ
Quy định tại Điều 25 Nghị định 88/2010/NĐ-CP như sau:
2.1. Nội dung hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ bao gồm:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
– Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
– Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
– Thời hạn hợp đồng;
– Giá chuyển giao quyền sử dụng;
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
2.2. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ bao gồm:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
– Căn cứ chuyển nhượng;
– Nội dung chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng;
– Giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán;
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
3. Chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng ngân sách nhà nước
Việc quản lý và sử dụng tiền thu được từ chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng ngân sách nhà nước sau khi nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 88/2010/NĐ-CP được thực hiện như sau:
– Chủ bằng bảo hộ quy định cụ thể, công khai mức thù lao trả cho tác giả giống cây trồng trong quy chế nội bộ; trường hợp không có quy định trong quy chế nội bộ, thì áp dụng như điểm b khoản 1 Điều 24 của Nghị định này; số tiền còn lại được sử dụng 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của đơn vị hoặc bộ phận trực tiếp tạo ra giống cây trồng được bảo hộ;
– Trường hợp giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần từ ngân sách nhà nước thì việc quản lý và sử dụng số tiền thu được tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
4. Thẩm quyền quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng
Quy định tại Điều 28 Nghị định 88/2010/NĐ-CP:
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ thuộc các loài cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với những giống cây trồng được bảo hộ sử dụng với mục đích làm thuốc.
5. Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội
Quy định tại Điều 29 Nghị định 88/2010/NĐ-CP:
– Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 195 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm: khắc phục các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai nhu cầu về giống, tên giống cây trồng, mục đích, lượng giống cần sử dụng, phạm vi, thời gian đáp ứng mục đích chuyển giao và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký.
6. Nguyên tắc xác định giá đền bù đối với việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng
Nguyên tắc xác định giá đền bù đối với việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng dựa trên quy định Điều 30 Nghị định 88/2010/NĐ-CP như sau:
– Bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao tự thỏa thuận;
– Trường hợp các bên không thỏa thuận được, giá đền bù được xác định như sau:
+ Giá trị của hợp đồng chuyển giao cùng giống đó cho một đối tượng khác tại thời điểm gần nhất, tương ứng với thời gian và số lượng giống bị bắt buộc chuyển giao quyền;
+ Giá trị lợi nhuận của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng thu được từ việc sử dụng giống cây trồng đó tương ứng với khối lượng và thời gian giống phải chuyển giao.
+ Trường hợp không có căn cứ quy định tại điểm a, b khoản này, giá đền bù được xem xét dựa trên chi phí thực tế tạo ra giống cây trồng đó.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trưng cầu tổ chức định giá đền bù hoặc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Hội đồng thẩm định giá đền bù cụ thể cho các trường hợp thuộc khoản 2 Điều này.
Kết luận:
Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị về Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng hoặc Bằng bảo hộ cho chủ sở hữu mới. Trình tự, thủ tục cụ thể quy định tại Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng