9. Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị
Phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam muốn hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị thì phải được sự chấp nhận của Cục Tuyên huấn và phải đáp ứng các quy định của pháp luật nên đã phát sinh nên thủ tục Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Báo chí 2016, Nghị định 88/2012/NĐ-CP, Thông tư 03/2019/TT-BQP. như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Phóng viên nước ngoài không thường trú là phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí ngắn hạn và không được hưởng chế độ phóng viên thường trú, sau đây gọi là phóng viên không thường trú (khoản 5 điều 2 Nghị định 88/2012/NĐ-CP).
Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử (khoản 1 điều 3 Luật Báo chí 2016).
Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài tại Việt Nam là các hoạt động thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, quay phim, tiếp xúc, phỏng vấn, thăm địa phương, cơ sở và các hoạt động khác nhằm phục vụ cho việc viết tin, bài, sản xuất phụ trương, đặc san, chuyên san, làm phóng sự về Việt Nam của báo chí nước ngoài, trừ các thể loại phim thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật điện ảnh (khoản 10 điều 2 Nghị định 88/2012/NĐ-CP).
2. Nguyên tắc hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (Điều 3 Nghị định 88/2012/NĐ-CP):
Mọi hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam chỉ được phép tiến hành sau khi có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Nghị định này và phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Các hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định này được xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
3. Phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam
Phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam (Khoản 2 Điều 11 Thông tư 03/2019/TT-BQP):
Khi phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí tại các cơ quan, đơn vị Quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, thì cơ quan hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài (Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao hoặc 01 cơ quan được Bộ Ngoại giao chấp thuận) có văn bản gửi Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn). Văn bản ghi rõ thành phần đoàn (họ tên phóng viên, cơ quan báo chí, quốc tịch, số hộ chiếu, năm sinh), mục đích, nội dung hoạt động, thời gian, địa điểm làm việc, câu hỏi dự kiến phỏng vấn, kịch bản phim (nếu có).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản, Tổng cục Chính trị có ý kiến trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận với cơ quan hướng dẫn phóng viên nước ngoài bằng văn bản.
Đối với phóng viên đi cùng đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị để đưa tin về chuyến thăm diễn ra tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ quản Việt Nam có trách nhiệm thông báo danh sách đoàn phóng viên cho Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn), đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao biết để phối hợp.
Trường hợp phóng viên nước ngoài có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí ngoài chương trình hoạt động chính thức của đoàn khách nước ngoài tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ quản Việt Nam có văn bản báo cáo Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn) xem xét, giải quyết; đồng thời có văn bản thông báo cho Vụ Thông tin Báo chí/Bộ Ngoại giao để phối hợp trong quá trình hướng dẫn phóng viên.
Khi hoạt động thông tin, báo chí trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, phóng viên phải mang theo Giấy phép hoạt động do Bộ Ngoại giao cấp, hộ chiếu; hoạt động theo đúng mục đích, chương trình ghi trong văn bản chấp thuận của Tổng cục Chính trị và hướng dẫn của cán bộ cơ quan, đơn vị.
Lưu ý:
Các trường hợp khác được quy định tại (Khoản 3 Điều 11 Thông tư 03/2019/TT-BQP):
Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam qua đường liên doanh, hợp tác khoa học, sản xuất có hoạt động thông tin, báo chí phải tuân thủ các quy định như đối với phóng viên nước ngoài không thường trú
Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, điện ảnh, bảo tàng tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phải có giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn) xem xét, giải quyết; khi đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành các hoạt động trên, người nước ngoài phải mang theo hộ chiếu và chỉ được hoạt động theo nội dung văn bản chấp thuận của Tổng cục Chính trị; chịu sự quản lý, hướng dẫn của cán bộ cơ quan, đơn vị.
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Báo chí 2016, Nghị định 88/2012/NĐ-CP, Thông tư 03/2019/TT-BQP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây
Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài không thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị.