10. Đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Có thể nói nghề khám chữa bệnh là nghề được gọi là thiêng liêng, cao cả nhất trong tất cả các loại nghề nghiệp, sứ mệnh có nghề này là giúp đỡ người bệnh vượt qua bệnh tật và cứu người nên để hành nghề khám chữa bệnh thì cá nhân phải được cấp chứng chỉ hành nghề tuy nhiên trong một số trường hợp trong quá trình hoạt động người hành nghề vi phạm các quy định thì sẽ bị đình chỉ hoạt động chuyên môn. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung Đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh dựa trên những quy định Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 50/2019/NĐ-CP, Thông tư 35/2013/TT-BYT
1. Một số khái niệm cơ bản
Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận (khoản 1 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh (khoản 2 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề) (khoản 4 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề) (khoản 6 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009)
2. Quy định chung
2.1. Nguyên tắc đăng ký hành nghề
Để được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh thì người hành nghề phải tuân theo các nguyên tắc đăng ký như sau quy định tại Điều 13 Nghị định 50/2019/NĐ-CP:
– Một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.
– Một người hành nghề chỉ được phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, không được đồng thời phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc Bộ Quốc phòng.
– Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
– Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng được đăng ký hành nghề ngoài giờ và làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ không thuộc Bộ Quốc phòng. Thủ tục đăng ký hành nghề thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
– Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc Bộ Quốc phòng nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.
– Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng không được đăng ký là người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã.
2.2. Cập nhật kiến thức y khoa liên tục
Đối với người hành nghề khám chữa bệnh bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn mà người hành nghề phải có thì người hành nghề còn phải được cập nhật kiến thức y khoa của mình thường xuyên cụ thể quy định tại Điều 15 Nghị định 50/2019/NĐ-CP:
– Hằng năm, người hành nghề phải tham gia đào tạo tối thiểu 24 tiết học cập nhật kiến thức y khoa liên tục thường xuyên trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề được tham gia các khóa cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
– Cơ sở cập nhật kiến thức y khoa liên tục là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy địnhvà các trường đào tạo nhân lực y tế thuộc Bộ Quốc phòng đối với người hành nghề là bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; đối với người hành nghề là y sỹ, điều dưỡng.
3. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề
Người hành nghề khám chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề thì phải đáp ứng các điều kiện về cấp chứng chỉ quy định tại Điều 18 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009:
– Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; Giấy chứng nhận là lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
– Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. Đình chỉ hoạt động chuyên môn
Người hành nghề sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thì nếu rơi vào các trường hợp cụ thể tại Điều 6 Thông tư 35/2013/TT-BYT thì sẽ bị đình chỉ hành nghề:
-Người hành nghề vi phạm một trong các quy định (Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; Xâm phạm quyền của người bệnh) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh đến mức phải bị thu hồi chứng chỉ hành nghề thì bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn.
– Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề do Hội đồng chuyên môn quy định là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề.
Lưu ý:
Ngay khi quyết định đình chỉ có hiệu lực, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các nội dung quy định tại Điều 29 Nghị định 50/2019/NĐ-CP như sau:
– Không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh một phần hoặc toàn bộ phạm vi hoạt động chuyên môn theo quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn;
– Trường hợp tại thời điểm nhận được quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang có người bệnh do mình chăm sóc, điều trị thì phải có trách nhiệm giới thiệu hoặc chuyến người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện tiếp tục khám và điều trị để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.
5. Thẩm quyền đình chỉ
Khi phát hiện một trong các trường hợp buộc đình chỉ, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 32 Nghị định 50/2019/NĐ-CP)
Lưu ý:
– Trước khi đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, phải có kết luận về việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn kỹ thuật của hội đồng chuyên môn. Quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải được thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.
Kết luận: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình hành nghề nếu vi phạm các quy định về chuyên môn thì sẽ bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 50/2019/NĐ-CP, Thông tư 35/2013/TT-BYT
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh