22. Đăng ký chào bán trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo ra công chúng
Doanh nghiệp thực hiện đăng ký chào bán trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo ra công chúng nhằm huy động vốn. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Theo Điều 6 Luật Chứng khoán 2006:
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.
Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:
– Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet;
– Chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
– Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định
Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành phân phối chứng khoán ra công chúng
2. Chào bán trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo ra công chúng
Để được chào bán trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo ra công chúng thì doanh nghiệp phải đạt các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, Điều 19 và Điều 23 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
– Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
– Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
– Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
– Đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
– Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:
+ Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
+ Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận
– Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
– Được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu bằng một hoặc một số phương thức sau:
+ Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Bảo đảm bằng tài sân của tổ chức phát hành, tài sản của bên thứ ba. Tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và được đăng ký, xử lý theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
– Có Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại Điều 24 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Tổ chức phát hành phải chỉ định đại diện người sở hữu trái phiếu để giám sát việc thực hiện các cam kết của tổ chức phát hành. Các đối tượng sau đây không được làm đại diện người sở hữu trái phiếu: (khoản 2 Điều 24 Nghị định 155/2020/NĐ-CP):
– Tổ chức bảo lãnh thanh toán của tổ chức phát hành, bên sở hữu tài sản bảo đảm của trái phiếu
– Cổ đông lớn
– Người có liên quan của tổ chức phát hành
Các hình thức chào bán ra công chúng được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;
– Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;
– Kết hợp hình thức quy định tại các điểm a, b khoản này;
– Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
Việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải do tổ chức phát hành thực hiện, trừ trường hợp cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng (khoản 3 Điều 7 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho đến khi hoàn tất đợt chào bán và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (khoản 3 Điều 26 Luật Chứng Khoán 2019).
– Tổ chức phát hành phải công bố báo cáo sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành để thực hiện dự án được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Hội đồng thành viên, báo cáo chủ sở hữu công ty hoặc thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành để thực hiện dự án trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận (điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
Kết luận: Doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký chào bán trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP.