76. Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu

Posted on

Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là thủ tục mà mà Doanh nghiệp phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Bộ tài chính để có công văn thông báo tổ chức phát hành. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết theo quy định tại Luật chứng khoán 2019Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020/NĐ-CPNghị định 128/2021/NĐ-CP, Thông tư 121/2020/TT-BTC, Thông tư 99/2020/TT-BTC.

1. Khái niệm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 thì cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần.

2. Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu

Theo quy định tại Điều 62 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì điều kiện công ty đại chúng phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu:

– Có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

– Nguồn vốn chủ sở hữu đủ để tăng vốn cổ phần, cụ thể như sau:

+ Nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn cổ phần được căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, bao gồm các nguồn sau: thặng dư vốn cổ phần; quỹ đầu tư phát triển; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác, nguồn thực hiện được căn cứ trên báo cáo tài chính của công ty mẹ;

+ Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tâng vốn cổ phần từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi nhuận quyết định phân phối không được vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán. Trường hợp lợi nhuận quyết định phân phối thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất và cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, công ty chỉ được thực hiện việc phân phối sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ.

– Có phương án xử lý phần lẻ cổ phần, cổ phiếu lẻ (nếu có) được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua.

– Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm.

Lưu ý:Tổng giá trị các nguồn quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải đảm bảo không thấp hơn tổng giá trị vốn cổ phần tăng thêm theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

3. Các tài liệu báo cáo phát hành

Theo quy định tại Điều 63 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm:

– Báo cáo phát hành theo Mẫu số 16 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.

– Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua việc triển khai phương án phát hành.

– Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

-Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án xử lý phần lẻ cổ phần, cổ phiếu lẻ (nếu có).

– Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề nghị tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với việc phát hành cổ phiếu của tổ chức kinh doanh bảo hiểm.

-Quyết định của cấp có thẩm quyền của công ty con thông qua việc phân phối lợi nhuận, sao kê có xác nhận của ngân hàng chứng minh việc đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ trong trường hợp công ty mẹ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và nguồn vốn thực hiện thấp hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.

Kết luận: Để thực hiện thủ tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu thì Doanh nghiệp cần tuân theo các quy định tại Luật chứng khoán 2019Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020/NĐ-CPNghị định 128/2021/NĐ-CP, Thông tư 121/2020/TT-BTC, Thông tư 99/2020/TT-BTC.