3. Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết
Để tìm hiểu những thông tin về Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết, sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên quy định của Luật Khí tượng thủy văn 2015, Thông tư 09/2016/TT-BTNMT, Khoản 15 Điều 1 Nghị định 84/2017/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm
– Thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng. (Khoản 6 Điều 3 Luật khí tượng thủy văn 2015)
– Tác động vào thời tiết là tác động của con người lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi trong một khu vực cụ thể, trong khoảng thời gian xác định để phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. (Khoản 20 Điều 3 Luật khí tượng thủy văn 2015)
Như vậy: Việc thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết là thực hiện thủ tục thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết được quy định tại Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BTNMT.
2. Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết
Cơ quan, tổ chức có nhu cầu tác động vào thời tiết xây dựng kế hoạch gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết. (Khoản 1, Khoản 4 Điều 44 Luật Khí tượng thủy văn 2015)
Lưu ý:
Thời hạn thẩm định tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định. (Khoản 7 Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BTNMT)
Kết quả thẩm định phải được thể hiện bằng văn bản. (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BTNMT)
Kế hoạch tác động vào thời tiết phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: (Khoản 2 Điều 44 Luật Khí tượng thủy văn 2015)
– Mục đích tác động vào thời tiết như sau:
+ Tác động nhằm gây mưa hoặc tăng lượng mưa.
+ Tác động nhằm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa.
+ Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ mưa đá.
+ Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ sương mù.
– Khu vực dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết.
– Thời gian dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết.
– Giải pháp thực hiện tác động vào thời tiết.
– Cơ quan, tổ chức dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
– Phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.
Báo cáo thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết gồm các nội dung chính sau: (Khoản 7 Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BTNMT)
– Sự phù hợp của các căn cứ pháp lý.
– Sự cần thiết, tính cấp bách, tính khả thi và ý nghĩa thực tiễn của kế hoạch.
– Sự phù hợp về nội dung của kế hoạch với quy định của Luật khí tượng thủy văn và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm định bao gồm ý kiến cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.
Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công tác thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết theo quy định; lập báo cáo thẩm định. (khoản 5 Điều 6 Thông tư 09/2016/TT-BTNMT)
Lưu ý: khoản 3 Điều 44 Luật Khí tượng thủy văn 2015 quy định Cơ quan, tổ chức đề nghị tác động vào thời tiết có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp về kế hoạch tác động vào thời tiết.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với hành vi thực hiện không đúng kế hoạch tác động vào thời tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (Khoản 15 Điều 1 Nghị định 84/2017/NĐ-CP)
Kết luận: Việc thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết được quy định cụ thể trong Luật Khí tượng thủy văn 2015, Thông tư 09/2016/TT-BTNMT, Khoản 15 Điều 1 Nghị định 84/2017/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết