11. Đăng ký, phê duyệt dự án JCM

Posted on

Dự án JCM có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam. Dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ đề cập các quy định về đăng ký và phê duyệt dự án JCM theo Thông tư 17/2015/TT-BTNMT.

1. Khái quát dự án JCM

1.1. Khái niệm

Cơ chế tín chỉ chung (JCM) là cơ chế trong khuôn khổ hợp tác phát triển các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc đầu tư, chuyển giao và phổ biến các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp ở các lĩnh vực khác nhau để hướng tới phát triển các-bon thấp ở Việt Nam, hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu (khoản 2 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

Dự án JCM là dự án được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam (khoản 5 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

Bên thứ ba (TPE) của dự án JCM là tổ chức pháp nhân đủ điều kiện do UBHH chỉ định, và theo yêu cầu từ bên tham gia dự án JCM làm nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các dự án JCM. (khoản 8 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

1.2 Điều kiện trở thành dự án JCM (khoản 1 Điều 4 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT)

– Là dự án được xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực liên quan của Bộ, ngành, địa phương và góp phần đảm bảo phát triển bền vững của Việt Nam;

– Việc xây dựng và thực hiện dự án phải trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

– Được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và có sự tham gia của đối tác Nhật Bản.

1.3 Quy trình thực hiện dự án JCM

– Bên tham gia dự án xây dựng và đệ trình phương pháp luận lên UBHH để phê duyệt;

– Ủy ban hỗn hợp phê duyệt phương pháp luận;

– Bên tham gia dự án xây dựng PDD của dự án;

– Bên thứ ba thẩm định PDD theo yêu của bên tham gia dự án;

– Bên tham gia dự án đệ trình dự án lên UBHH để đăng ký;

– Sau khi dự án được phê duyệt làm dự án JCM, bên tham gia dự án thực hiện và giám sát dự án;

– Bên thứ ba tiến hành thẩm định dự án;

– Căn cứ vào yêu cầu của bên tham gia dự án và báo cáo thẩm định của TPE, UBHH quyết định số lượng tín chỉ và gửi yêu cầu cấp tín chỉ đến Chính phủ hai nước để cấp cho bên tham gia dự án qua tài khoản cấp tín chỉ. (theo Điều 5 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

Như vậy, có thể thấy rằng việc đăng ký và phê duyệt là thủ tục quan trọng và bắt buộc khi thực hiện dự án JCM. Tiếp theo sẽ là những quy cụ thể và chi tiết cho việc đăng ký và phê duyệt dự án JCM.

2. Đăng ký và phê duyệt dự án JCM

2.1 Thẩm quyền duyệt dự án JCM: Uỷ ban Hỗn hợp

Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) bao gồm: đại diện của Việt Nam và Nhật Bản để chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác

Đứng đầu UBHH gồm 02 đồng chủ tịch là đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam, các thành viên tham gia UBHH gồm đồng chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại diện của các Bộ ngành có liên quan.

(theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

2.2 Quy trình chung về đăng ký, phê duyệt dự án (Điều 11 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT)

– Bên tham gia dự án gửi hồ sơ đăng ký dự án cho Tổ thư ký qua thư điện tử để xem xét, đệ trình lên UBHH.

– Tổ thư ký cấp số tham chiếu cho dự án và thông báo việc tiếp nhận hồ sơ cùng số tham chiếu của dự án đến bên tham gia dự án.

– Hồ sơ đăng ký dự án và TPE dự kiến được đăng trên trang thông tin điện tử của JCM và lấy ý kiến công chúng. Địa chỉ của dự án trên trang điện tử của JCM sẽ được Tổ thư ký thông báo đến bên tham gia dự án và TPE.

– Ý kiến của công chúng phải được gửi bằng tiếng Việt và tiếng Anh qua trang điện tử JCM. Người góp ý cung cấp tên, địa chỉ liên lạc cá nhân hoặc tổ chức. TPE sẽ xem xét tính xác thực của các ý kiến đóng góp và loại bỏ những ý kiến không xác thực.

– Sau thời hạn lấy ý kiến công chúng, Tổ thư ký tổng hợp ý kiến góp ý của công chúng về dự án và trình hồ sơ cùng ý kiến góp ý lên UBHH.

– Bên tham gia dự án yêu cầu TPE tiến hành thẩm định hồ sơ dự án theo hướng dẫn. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu thẩm định, TPE thông báo cho bên xây dựng dự án kết quả thẩm định cho bên tham gia để sửa chữa, bổ sung đến khi đạt yêu cầu. Việc thẩm định hồ sơ dự án của TPE có thể diễn ra trước, trong và sau khi lấy ý kiến công chúng.

– Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu thẩm định, bên tham gia dự án gửi Tổ thư ký qua thư điện tử.

– Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký dự án, Tổ thư ký thông báo qua thư điện tử cho bên tham gia dự án việc tiếp nhận hồ sơ và đăng thông tin liên quan về dự án trên trang thông tin điện tử của JCM.

– Tổ thư ký thông báo cho bên tham gia dự án và TPE của dự án về tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ qua thư điện tử. Trường hợp cần bổ sung thông tin, Tổ thư ký thông báo cho bên tham gia và TPE của dự án để gửi lại.

– Đối với hồ sơ hợp lệ và đầy đủ, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và quyết định việc đăng ký dự án.

– Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký dự án từ Tổ thư ký, UBHH xem xét và ra quyết định phê duyệt hoặc không phê duyệt dự án kèm theo lý do.

3. Hủy đăng ký dự án JCM (Điều 13 Thông tư 17/2015/TT-BTNMT).

– Trong quá trình thực hiện dự án, các bên tham gia có thể gửi đơn xin hủy đăng ký dự qua thư điện tử cho Tổ thư ký.

– Trong trường hợp thôi không tham gia dự án, bên tham gia dự án gửi đơn thôi không tham gia và đơn đề nghị thay đổi nội dung qua thư điện tử cho Tổ thư ký.

– Sau khi nhận được yêu cầu của bên tham gia dự án, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và ra quyết định.

– Tổ thư ký đăng tải quyết định của UBHH trên trang điện tử kèm theo các thông tin liên quan đến việc hủy đăng ký dự án hoặc thôi không tham gia dự án của các bên.

– Bên tham gia dự án phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết và chịu trách nhiệm với các bên liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành do quyết định hủy đăng ký hoặc thôi không tham gia dự án của mình.

Kết luận: Việc đăng ký, phê duyệt dự án JCM phải thực hiện đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế theo Thông tư 17/2015/TT-BTNMT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện xem tại đây:

Đăng ký, phê duyệt dự án JCM (TTHC cấp trung ương)