14. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản

Posted on

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán lại quyền khai thác khoáng sản theo phương thức trả giá tăng cao. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản là một trong các hình thức đó. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Khoáng sản, Nghị định 22/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 thì Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản được quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 22/2012/NĐ-CP là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai theo phương thức trả giá tăng cao theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.

2. Đối tượng

Đối tượng được tham gia đấu giá:

Là tổ chức, cá nhân nhưng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định 22/2012/NĐ-CP:

+ Là tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị tham gia phiên đấu giá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét chọn.

+ Đã nộp phí tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước theo quy định.

Lưu ý: Trường hợp khi có sự thay đổi về tư cách pháp lý, tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá phải nộp bổ sung văn bản liên quan cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá trước khi tiến hành phiên đấu giá.

Tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được Hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 01 (một) năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Đối tượng không được tham gia đấu giá được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 22/2012/NĐ-CP như sau:

+ Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá; cán bộ, công chức được giao tiếp nhận, chuẩn bị hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người nêu trên.

+ Những đối tượng bị cấm khác theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

3. Nguyên tắc đấu giá

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 22/2012/NĐ-CP Việc tổ chức bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

– Minh bạch, công khai, liên tục, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.

– Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 03 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

– Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác, khoáng sản tại các khu vực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu giá.

Lưu ý: Trước khi tiến hành phiên đấu giá, người tham gia đấu giá phải xuất trình Hội đồng đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp giấy giới thiệu tư cách của tổ chức được tham gia phiên đấu giá; xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy biên nhận đã nộp phí tham gia đấu giá; tiền đặt trước hoặc giấy bảo lãnh dự đấu giá.

– Trong thời gian diễn ra phiên đấu giá, người tham gia đấu giá phải tuân thủ các quy định sau đây:

+ Chỉ được trao đổi trong nội bộ tổ chức của mình về các thông tin liên quan mà không được trao đổi với tổ chức, cá nhân khác;

+ Không sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trong suốt quá trình diễn ra phiên đấu giá;

+ Không có hành vi gây mất trật tự, cản trở, phá rối phiên đấu giá, hoặc vi phạm quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia phiên đấu giá;

+ Không mua chuộc nhằm loại trừ người tham gia đấu giá khác hoặc cấu kết, thông đồng để dìm giá.

4. Cách tính tiền trúng đấu giá

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC cách tính tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản như sau:

T = Q x G x K x Rđg (đồng)

Trong đó:

T – Tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính đồng Việt Nam;

Q – Trữ lượng địa chất trong khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đơn vị tính là tấn, m3;

G – Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP; đơn vị tính là đồng Việt Nam/đơn vị trữ lượng;

K – Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác: khai thác lộ thiên K = 0,9; khai thác hầm lò K = 0,6; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K = 1,0;

Rđg – Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá; đơn vị tính là phần trăm (%).

Lưu ý: Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được áp dụng ổn định trong suốt thời gian được cấp phép khai thác.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định và trình phê duyệt tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép.

5. Mức phạt vi phạm

Vi phạm quy định về nghĩa vụ khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 46 Nghị định 36/2020/NĐ-CP gồm các mức như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quá 06 tháng kể từ ngày có văn bản công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quá 12 tháng kể từ ngày có văn bản công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

– Phạt tiền đối với hành vi chuyển nhượng kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể như sau:

+ Từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Từ 260.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Đối với hành vi không nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 04 tháng đến 06 tháng, trường hợp chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản thì các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Khoáng sản, Nghị định 22/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản.