13. Cấp, Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2016/NĐ-CP, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Nghị định số 136/2018/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT, Thông tư số 270/2016/TT-BTC.

1. Khái niệm

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012).

Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác (khoản 2 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012).

Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất (khoản 4 Điều 2 Luật tài nguyên nước 2012).

Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm (điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP).

Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm (điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP).

2. Khai thác nước dưới đất

2.1 Việc cấp phép khai thác nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước 2012.

Việc cấp giấy phép khai thác nước dưới đất phải căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và kết quả điều tra cơ bản, thăm dò nước dưới đất, tiềm năng, trữ lượng nước dưới đất và quy định tại khoản 4 Điều này (sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018).

Lưu ý:

– Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép (khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước 2012.):

+ Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình

+ Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

+ Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối;

+ Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;

+ Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

– Trường hợp khai thác nước dưới đất quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước 2012. ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký (khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước 2012.).

2.2 Hạn chế khai thác nước dưới đất

Hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực sau đây (khoản 4 Điều 52 Luật tài nguyên nước 2012.):

– Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;

– Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;

– Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;

– Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;

– Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.

Lưu ý:

Các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm(khoản 5 Điều 52 Luật tài nguyên nước 2012.):

– Hạn chế về đối tượng, mục đích khai thác;

– Hạn chế về lưu lượng, thời gian khai thác;

– Hạn chế về số lượng công trình, độ sâu, tầng chứa nước khai thác.

3. Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất

Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm (Điều 4 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT):

– Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;

– Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;

– Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;

– Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;

– Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Căn cứ đặc điểm của các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, yêu cầu quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mực nước hạ thấp cho phép, nhưng không vượt quá một nửa bề dày của tầng chứa nước đối với tầng chứa nước không áp, không vượt quá mái của tầng chứa nước và không được sâu hơn 50 m tính từ mặt đất đối với các tầng chứa nước có áp.

Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều này và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

4. Thời hạn của giấy phép

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là năm (05) năm (khoản 1 Điều 21 Nghị định 201/2013/NĐ-CP).

Lưu ý:

– Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại Khoản này thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn (khoản 1 Điều 21 Nghị định 201/2013/NĐ-CP).

– Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép (khoản 2 Điều 21Nghị định 201/2013/NĐ-CP).

5. Gia hạn và điều chỉnh giấy phép

5.1 Gia hạn giấy phép

Việc gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất phải căn cứ vào các quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này và các điều kiện sau đây (Điều 22 Nghị định 201/2013/NĐ-CP):

– Giấy phép vẫn còn hiệu lực và hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được nộp trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít nhất chín mươi (90) ngày;

– Đến thời điểm đề nghị gia hạn, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến giấy phép đã được cấp theo quy định của pháp luật và không có tranh chấp;

– Tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép, kế hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất của tổ chức, cá nhân phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, khả năng đáp ứng của nguồn nước.

Lưu ý:

– Đối với trường hợp khác thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới.

5.2 Điều chỉnh giấy phép

Các trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước (khoản 2 Điều 23 Nghị định 201/2013/NĐ-CP):

– Nguồn nước không bảo đảm việc cung cấp nước bình thường;

– Nhu cầu khai thác, sử dụng nước tăng mà chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nguồn nước;

– Xảy ra các tình huống khẩn cấp cần phải hạn chế việc khai thác, sử dụng nước;

– Khai thác nước gây sụt, lún mặt đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;

– Lượng nước thực tế khai thác của chủ giấy phép nhỏ hơn 70% so với lượng nước được cấp phép trong thời gian mười hai (12) tháng liên tục mà không thông báo lý do cho cơ quan cấp phép;

– Chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép khác với quy định tại Khoản 4 Điều này.

Lưu ý:

Các nội dung trong giấy phép không được điều chỉnh (khoản 4 Điều 23 Nghị định 201/2013/NĐ-CP):

– Nguồn nước khai thác, sử dụng; nguồn nước tiếp nhận nước thải;

– Lượng nước khai thác, sử dụng vượt quá 25% quy định trong giấy phép đã được cấp;

– Lượng nước xả vượt quá 25% quy định trong giấy phép đã được cấp;

– Thông số, nồng độ các chất ô nhiễm, quy chuẩn áp dụng quy định trong giấy phép xả nước thải, trừ trường hợp cơ quan cấp phép yêu cầu điều chỉnh hoặc chủ giấy phép đề nghị áp dụng mức quy chuẩn cao hơn.

Lưu ý:

– Trường hợp cần điều chỉnh nội dung không được điều chỉnh, chủ giấy phép phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới (khoản 4 Điều 23 Nghị định 201/2013/NĐ-CP).

– Trường hợp chủ giấy phép đề nghị điều chỉnh giấy phép thì chủ giấy phép phải lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép theo quy định của Nghị định này; trường hợp cơ quan cấp phép điều chỉnh giấy phép thì cơ quan cấp phép phải thông báo cho chủ giấy phép biết trước ít nhất chín mươi (90) ngày (khoản 5 Điều 23 Nghị định 201/2013/NĐ-CP).

6. Xử phạt vi phạm hành chính (Điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP)

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm mà không có giấy phép.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 200 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 400 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 400 m3/ngày đêm đến dưới 800 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

– Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 800 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

– Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 1.500 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

– Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 1.500 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm mà không  có giấy phép.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp, Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2016/NĐ-CP, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Nghị định số 136/2018/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT, Thông tư số 270/2016/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm