14. Thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và tiến hành Thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi (TTHC cấp tỉnh) khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 2 Luật tài nguyên nước năm 2012).
Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác (khoản 2 Điều 2 Luật tài nguyên nước năm 2012).
2. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP:
Hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích từ một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên phải thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.
Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại Khoản 1 Điều này chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa. Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải có các nội dung chính sau đây:
– Thông số cơ bản của hồ chứa;
– Hiện trạng quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa;
– Xác định phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng;
– Tọa độ, địa danh hành chính của các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 đến 1/2.000;
– Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa;
– Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới, kinh phí thực hiện.
Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi quy định như sau:
– Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án cắm mốc giới của tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra phương án. Trường hợp chưa đạt yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa để bổ sung hoàn thiện;
– Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án đạt yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa, các cơ quan, đơn vị có liên quan; nếu cần thiết thì trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và gửi tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa để hoàn thiện. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc.
Căn cứ phương án cắm mốc giới đã được phê duyệt, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa; bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ.
Thời hạn hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quy định như sau:
– Đối với hồ chứa đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành, việc bàn giao mốc giới phải hoàn thành trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa;
– Đối với các hồ chứa đang hoạt động mà chưa thực hiện việc bàn giao mốc giới theo quy định tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi thì phải hoàn thành việc bàn giao mốc giới trong thời hạn không quá hai (02) năm đối với hồ chứa thủy điện, năm (05) năm đối với hồ chứa thủy lợi kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Lưu ý:
Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ (khoản 2 Điều 31 Luật tài nguyên nước năm 2012).
Ủy ban nhân dân cấp Huyện có trách nhiệm: Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt (khoản 2 Điều 17 Nghị định 43/2015/NĐ-CP)
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Không xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa trong trường hợp chưa thực hiện việc cắm mốc giới (điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Không thực hiện hoặc thực hiện việc cắm mốc giới nhưng không đúng với phương án cắm mốc giới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (điểm c khoản 4 Điều 13 Nghị định 36/2020/NĐ-CP).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi (TTHC cấp tỉnh), các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi (TTHC cấp tỉnh)