25. Cho phép họp báo

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và tiến hành cho phép họp báo khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Báo chí 2016,  Nghị định 51/2002/NĐ-CPNghị định số 88/2012/NĐ-CPNghị định 119/2020/NĐ-CPThông tư số 04/2014/TT-BTTTT.

1. Một số khái niệm cơ bản

Họp báo là hoạt động cung cấp thông tin của tổ chức hoặc cá nhân trước các đại diện cơ quan báo chí, nhà báo để công bố, tuyên bố, giải thích vấn đề có liên quan tới nhiệm vụ hoặc lợi ích của tổ chức, cá nhân đó (khoản 13 Điều 1 Nghị định 51/2002/NĐ-CP).

Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 của Luật này, thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí, có một hoặc một số sản phẩm báo chí theo quy định của Luật này (Điều 16 Luật Báo chí 2016).

2. Họp báo (trong nước)

Căn cứ theo Điều 41 Luật Báo chí 2016:

Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định trên và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Lưu ý:

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy định sau:

– Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

+ Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

+ Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;

+ Gây chiến tranh tâm lý.

– Đăng, phát thông tin có nội dung:

+ Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

+ Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

+ Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

+ Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

– Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

– Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

– Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

– Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

– Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

– Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

3. Họp báo (nước ngoài)

Căn cứ theo khoản 10 Điều 56 Luật Báo chí 2016, việc họp báo được thực hiện theo quy định sau đây:

– Khi có nhu cầu tổ chức họp báo tại Hà Nội, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài phải có văn bản đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo. Đối với cơ quan đại diện nước ngoài, văn bản đề nghị đồng gửi Bộ Ngoại giao để thông báo;

– Khi có nhu cầu tổ chức họp báo tại các địa phương khác của Việt Nam, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo;

– Họp báo của đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc Bộ Ngoại giao được thực hiện theo chương trình chính thức của đoàn. Cơ quan chủ quản đón đoàn có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông biết ít nhất là 01 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo để phối hợp;

– Đối với họp báo của đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước khác của Việt Nam, cơ quan chủ quản đón đoàn phải có văn bản đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo;

Lưu ý:

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền không chấp thuận hoặc đình chỉ cuộc họp báo nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam;

Đối với những trường hợp họp báo khẩn cấp, sau khi có đề nghị của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.

4. Xử phạt hành chính

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức nếu vi phạm quy định về họp báo sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi họp báo khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tịch thu tang vật vi phạm và buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung kích động bạo lực; tịch thu tang vật vi phạm và buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối.

Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tịch thu tang vật vi phạm và buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cho phép họp báo, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Báo chí 2016,  Nghị định 51/2002/NĐ-CPNghị định số 88/2012/NĐ-CPNghị định 119/2020/NĐ-CPThông tư số 04/2014/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cho phép họp báo (trong nước)

Cho phép họp báo (nước ngoài)