4. Cấp/Sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
Doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký mục nội dung thì gửi hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử). Trong thời hạn nhất định, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xét cấp, sửa đổi bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cho doanh nghiệp đó. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục trên dựa theo quy định của Luật Viễn thông năm 2009, Luật Báo chí năm 2016, Nghị định 06/2016/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Kênh phát thanh, kênh truyền hình là sản phẩm báo chí, gồm các chương trình phát thanh, truyền hình được sắp xếp ổn định, liên tục, được phát sóng trong khung giờ nhất định và có dấu hiệu nhận biết (khoản 11 Điều 3 Luật báo chí 2016)
Dịch vụ phát thanh, truyền hình là dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nguyên vẹn các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài và dịch vụ giá trị gia tăng trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến người sử dụng. Dịch vụ phát thanh, truyền hình có thể được cung cấp trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ không qua thiết bị lưu trữ, làm chậm (dịch vụ truyền hình trực tuyến) hoặc theo yêu cầu riêng biệt của thuê bao sử dụng dịch vụ (dịch vụ theo yêu cầu) (khoản 1 Điều 3 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)
2. Quy định chung về dịch vụ phát thanh, truyền hình
2.1. Phân loại
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2016/NĐ-CP ghi nhận các loại dịch vụ phát thanh, truyền hình, bao gồm:
– Dịch vụ truyền hình mặt đất: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất kỹ thuật số để cung cấp các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ;
– Dịch vụ truyền hình cáp: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình cáp áp dụng các công nghệ khác nhau để cung cấp các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ, gồm: Dịch vụ truyền hình cáp tương tự; dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số; dịch vụ truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV);
– Dịch vụ truyền hình qua vệ tinh: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình qua vệ tinh để cung cấp các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ;
– Dịch vụ truyền hình di động: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình di động mặt đất, truyền hình di động qua vệ tinh, truyền hình qua mạng viễn thông di động mặt đất để cung cấp các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ;
– Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet: Là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng kết nối mạng Internet thông qua các địa chỉ tên miền của trang thông tin điện tử hoặc các địa chỉ Internet xác định do Việt Nam quản lý để truyền tải các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đến người sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 06/2016/NĐ-CP ghi nhận các dịch vụ phát thanh, truyền hình được cung cấp đến người sử dụng qua hai phương thức sau:
– Dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá là dịch vụ do doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp cho người sử dụng dịch vụ tự do mà không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát hoặc ràng buộc điều kiện thu tín hiệu;
– Dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là dịch vụ do doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cung cấp cho người sử dụng dịch vụ có áp dụng biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát và ràng buộc điều kiện thu tín hiệu.
2.2. Cấp phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP nhà cung cấp phải đáp ứng các điều kiện quy định sau sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ:
– Là doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ;
– Có phương án cung cấp dịch vụ phù hợp với quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình, quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình và các quy hoạch khác trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử;
– Có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông hoặc có thỏa thuận được thuê, sử dụng mạng viễn thông đáp ứng yêu cầu kỹ thuật truyền dẫn dịch vụ đến các thuê bao kết nối với mạng viễn thông đó đối với dịch vụ;
– Có các phương án: Bố trí nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; dự báo và phân tích thị trường dịch vụ; kế hoạch kinh doanh và giá cước dịch vụ, dự toán chi phí đầu tư và chi phí hoạt động ít nhất trong 2 (hai) năm đầu tiên; văn bản chứng minh vốn điều lệ hoặc văn bản giá trị tương đương đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ theo dự toán;
– Có phương án thiết lập trung tâm thu phát tất cả các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài tập trung ở một địa điểm, trừ các kênh chương trình thuộc danh mục kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương, gồm: Thiết kế kỹ thuật hệ thống thiết bị xử lý tín hiệu, thiết bị kết nối đến mạng truyền dẫn, thiết bị quản lý dịch vụ, quản lý thuê bao và bảo vệ nội dung;
– Có phương án áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại phù hợp quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn an ninh thông tin; xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật bảo đảm tính liên tục của dịch vụ và quyền lợi của thuê bao;
– Có dự kiến danh mục kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài, nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng sẽ cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền kèm theo các văn bản chấp thuận của đơn vị cung cấp nội dung;
– Có văn bản thỏa thuận điểm nhận tín hiệu các kênh chương trình phù hợp
3. Đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình
Đăng ký danh mục nội dung đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 06/2016/NĐ-CP như sau:
– Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải thực hiện đăng ký danh mục nội dung các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài;
– Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không phải thực hiện đăng ký danh mục nội dung theo yêu cầu và nội dung giá trị gia tăng. Các nội dung theo yêu cầu và nội dung giá trị gia tăng trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Có văn bản chứng minh bản quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Được cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ;
+ Được lập hồ sơ theo dõi phục vụ báo cáo nghiệp vụ và kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền
Lưu ý:
Trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, nếu có thay đổi so với danh mục nội dung đã đăng ký, các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải thực hiện đăng ký sửa đổi, bổ sung danh mục nội dung.
Kết luận: Cấp/Sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền dựa theo quy định của Luật Viễn thông năm 2009, Luật Báo chí năm 2016, Nghị định 06/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây: