11. Cấp/cấp lại/Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

Posted on

Để có thể được Cấp/cấp lại/Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước, tổ chức phải thực hiện gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại hoặc sửa đổi, bổ sung. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Báo chí 2016 sửa đổi bổ sung năm 2018, Nghị định 159/2013/NĐ-CP, Nghị định 06/2016/NĐ-CPThông tư 19/2016/TT-BTTTT.

1. Khái niệm

Kênh truyền hình là sản phẩm báo chí, gồm các chương trình phát thanh, truyền hình được sắp xếp ổn định, liên tục, được phát sóng trong khung giờ nhất định và có dấu hiệu nhận biết (khoản 11 Điều 3 Luật Báo chí 2016).

Kênh chương trình trong nước là kênh chương trình phát thanh, kênh chương trình truyền hình do các cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) của Việt Nam sản xuất hoặc liên kết sản xuất theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 3 Nghị định 06/2016/NĐ-CP).

Kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu là kênh chương trình trong nước do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định phù hợp với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong từng giai đoạn; gồm kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương. (khoản 4 Điều 3 Nghị định 06/2016/NĐ-CP).

2. Cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

2.1 Điều kiện (khoản 1 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

Đơn vị đề nghị cấp Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước phải là cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình.

2.2. Thời hạn Giấy phép (theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước có hiệu lực tối đa 10 (mười) năm kể từ ngày cấp, nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình của đơn vị được cấp Giấy phép. Đơn vị có Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước được chủ động cung cấp kênh chương trình sản xuất theo Giấy phép cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong cả nước;

Sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực, nếu đơn vị được cấp Giấy phép không thực hiện việc sản xuất kênh chương trình thì Giấy phép không còn giá trị. Nếu muốn tiếp tục sản xuất kênh chương trình, đơn vị phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép, áp dụng như hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 15 Nghị định 06/2016.

3. Cấp lại giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

90 (chín mươi) ngày trước khi Giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước hết hiệu lực, nếu muốn tiếp tục sản xuất kênh chương trình, đơn vị có Giấy phép phải thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp lại Giấy phép (điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

4. Sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

– Trường hợp thay đổi tôn chỉ, mục đích của kênh chương trình thì đơn vị có Giấy phép thực hiện hồ sơ, thủ tục sửa đổi, bổ sung áp dụng như hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu nêu trên.(theo điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

– Trường hợp thay đổi các nội dung khác ghi trong Giấy phép, đơn vị có Giấy phép phải có văn bản đề nghị kèm theo bản thuyết minh nội dung thay đổi và văn bản chấp thuận thay đổi của cơ quan chủ quản đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Bộ, ngành; đối với cơ quan báo chí Trung ương, văn bản đề nghị thay đổi do người đứng đầu cơ quan báo chí ký (theo điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

– Đối với trường hợp tăng hoặc giảm thời lượng kênh chương trình, thời lượng chương trình tự sản xuất, ngoài các yêu cầu về hồ sơ, đơn vị có Giấy phép phải có Đề án nêu rõ tên, nội dung, thời gian, thời lượng phát sóng chương trình tăng thêm hoặc các chương trình cắt giảm; khung chương trình dự kiến phát sóng trong 01 (một) tháng; phương án tổ chức sản xuất thời lượng chương trình tăng thêm (theo điểm c khoản 5 Điều 15 Nghị định 06/2016/NĐ-CP)

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sản xuất kênh chương trình trong nước cho truyền hình trả tiền không có giấy phép (theo điểm a khoản 5 Điều 16 Nghị định 159/2013/NĐ-CP)

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi nêu trên (theo điểm a khoản 8 Điều 16 Nghị định 159/2013/NĐ-CP)

Kết luận: Người thực hiện đề nghị Cấp/cấp lại/Sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước cần tuân thủ quy định của Nghị định 06/2016/NĐ-CPThông tư 19/2016/TT-BTTTT.

 Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

cấp lại giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước

Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước