10. Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và tiến hành cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật tần số vô tuyến điện 2009Nghị định 15/2020/NĐ-CPThông tư 04/2021/TT-BTTTT, Thông tư 265/2016/TT-BTC.

1. Khái niệm

Tần số vô tuyến điện là tần số của sóng vô tuyến điện (khoản 1 Điều 3 Luật tần số vô tuyến điện 2009).

Quỹ đạo vệ tinh là đường chuyển động của vệ tinh trong không gian (khoản 12 Điều 3 Luật tần số vô tuyến điện 2009).

2. Nguyên tắc cấp giấy phép

Căn cứ theo Điều 17 Luật tần số vô tuyến điện 2009, nguyên tắc cấp giấy phép gồm:

– Công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

– Phù hợp với quy hoạch tần số và quỹ đạo vệ tinh.

– Đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ băng tần.

– Bảo đảm khả thi, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tần số và quỹ đạo vệ tinh.

– Nghiệp vụ chính được ưu tiên hơn nghiệp vụ phụ.

– Đáp ứng nhu cầu sử dụng băng tần phục vụ lợi ích công cộng và thực hiện nhiệm vụ công ích của Nhà nước.

– Việc cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao phải theo các quy định của Luật này, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh

Căn cứ theo Điều 30 Luật tần số vô tuyến điện 2009các tổ chức được cấp giấy phép có các quyền và nghĩa vụ sau:

– Quyết định số lượng, chủng loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động trong mạng thông tin vô tuyến điện.

– Liên doanh, liên kết với tổ chức khác trong việc quản lý, khai thác vệ tinh.

– Khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện.

– Thực hiện đúng các quy định của giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

– Thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về khoảng không vũ trụ mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về tần số vô tuyến điện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh theo quy định của pháp luật.

– Tham gia đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh đối với các trường hợp quy định tại Điều 41 của Luật này.

– Tuân thủ thỏa thuận phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh

Căn cứ theo Điều 21 Luật tần số vô tuyến điện 2009:

Đối tượng được cấp giấy phép là tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Điều kiện để được cấp giấy phép bao gồm:

– Có năng lực về tài chính, kỹ thuật và nguồn nhân lực để quản lý, khai thác vệ tinh;

– Có phương án sử dụng quỹ đạo vệ tinh hiệu quả, khả thi vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;

– Cam kết thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về sử dụng tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và khoảng không vũ trụ.

Lưu ý: Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh có thời hạn tối đa là 20 năm, được cấp cho tổ chức để khai thác đài vô tuyến điện đặt trên vệ tinh, tại vị trí quỹ đạo vệ tinh xác định sử dụng băng tần xác định kèm theo các điều kiện cụ thể (điểm c khoản 2 Điều 16 Luật tần số vô tuyến điện 2009).

5. Gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

5.1. Gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Việc gia hạn giấy phép phải căn cứ vào các nguyên tắc cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Điều 17 của Luật này và các quy định sau đây (khoản 1 Điều 22 Luật tần số vô tuyến điện 2009):

– Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được quy định cho giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

– Thời hạn hiệu lực của giấy phép còn lại ít nhất là 60 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

– Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh; trường hợp cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh thì chỉ được xem xét gia hạn tối đa là một năm.

5.2. Sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh quy định tại Điều 17 của Luật này và các quy định sau đây (khoản 2 Điều 22 Luật tần số vô tuyến điện 2009):

– Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh còn hiệu lực;

– Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định cho giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh;

– Việc sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với quy định tại các điều 19, 20 và 21 của Luật này.

6. Phí, sử dụng băng tần, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh

Căn cứ theo Điều 31 Luật tần số vô tuyến điện 2009: 

– Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh phải nộp phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

– Phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được quy định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số và quỹ đạo vệ tinh sử dụng; mục đích sử dụng; mức độ chiếm dụng phổ tần số và quỹ đạo vệ tinh; phạm vi phủ sóng; nhu cầu, mức độ sử dụng kênh tần số trong tần số và quỹ đạo vệ tinh và địa bàn sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh; bảo đảm bù đắp chi phí cho công tác quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh và để thi hành các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

– Phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm khoản tiền thu được do đấu giá quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Lưu ý: Tổ chức, cá nhân chỉ được nhận giấy phép khi đã nộp đủ lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép tương ứng và nộp đủ phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh theo quy định (Điều 9 Thông tư 04/2021/TT-BTTTT)

7. Mức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 265/2016/TT-BTC:

Lệ phí cấp giấy phép được tính cho từng giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh:

– Lệ phí gia hạn giấy phép được tính bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép.

– Lệ phí sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép: không phải ấn định lại tần số, bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép; phải ấn định lại tần số, bằng lệ phí cấp giấy phép.

Phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được tính theo đơn vị tháng. Trường hợp tổng thời gian sử dụng dưới 01 tháng thì được tính là 01 tháng. Trường hợp tổng thời gian sử dụng từ 01 tháng trở lên, nếu phần lẻ từ 15 ngày trở lên thì tính lên thành 01 tháng, nếu phần lẻ dưới 15 ngày thì không tính phần lẻ.

Ví dụ: Ông A sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh với tổng thời hạn là 14 ngày thì phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được tính cho 1 tháng.

Ông B sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 15 tháng 01 năm 2018 với tổng thời hạn là 12 tháng và 15 ngày thì phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được tính cho 13 tháng.

Ông C sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 14 tháng 01 năm 2018 với tổng thời hạn là 12 tháng và 14 ngày thì phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được tính cho 12 tháng.

Lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh và phí sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh thu bằng đồng Việt Nam.

8. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không gửi văn bản đề nghị cấp lại khi Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh bị mất, bị rách, bị cháy hay bị tiêu hủy (điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi Sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không đúng tên của tổ chức hoặc cá nhân được quy định trong Giấy phép sử dụng băng tần, Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh (điểm e khoản 2 Điều 58 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi Sử dụng băng tần và vị trí quỹ đạo vệ tinh không đúng quy định trong Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tin (điểm a khoản 6 Điều 58 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng băng tần hoặc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh nhưng không có giấy phép (khoản 7 Điều 58 Nghị định 15/2020/NĐ-CP

Hình thức xử phạt bổ sung (khoản 10 Điều 58 Nghị định 15/2020/NĐ-CP):

– Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a khoản 6 Điều này;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tần số vô tuyến điện 2009Nghị định 15/2020/NĐ-CPThông tư 04/2021/TT-BTTTT, Thông tư 265/2016/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh