21. Tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất trong nước bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy

Posted on

Tiêu đề: Tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất trong nước bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất trong nước bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật viễn thông 2009, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTTThông tư số 183/2016/TT-BTC

1. Khái niệm

Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng (khoản 1 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007).

Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (khoản 9 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006).

Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và/hoặc tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc áp dụng (sau đây gọi chung là quy chuẩn kỹ thuật) nhằm bảo đảm tính tương thích của sản phẩm trong kết nối, an toàn mạng viễn thông quốc gia, an ninh thông tin, bảo đảm các yêu cầu về tương thích điện từ trường, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện, an toàn cho con người và môi trường, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng (khoản 1 Điều 2 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT).

2. Danh mục sản phẩm, hàng hóa và hình thức quản lý

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT:

Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, bao gồm:

– Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy;

– Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy.

Sản phẩm, hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy” phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy.

3. Các trường hợp không phải chứng nhận hợp quy

Căn cứ theo Điều 7 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT, Sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy nhưng không phải chứng nhận hợp quy trong các trường hợp sau:

– Sản phẩm nhập khẩu theo người hoặc qua đường hàng hóa để sử dụng cho mục đích cá nhân theo quy định của pháp luật, bao gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin; thiết bị đầu cuối cố định và di động mặt đất công cộng đối với các dịch vụ viễn thông và Internet đã được phép cung cấp và sử dụng tại Việt Nam.

– Sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước để trưng bày, triển lãm theo quy định của pháp luật; làm mẫu phục vụ mục đích nghiên cứu phát triển hoặc làm mẫu cho việc đo kiểm sản phẩm phục vụ chứng nhận hợp quy.

– Các thiết bị vô tuyến điện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; các phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí ngắn hạn ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao); khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư.

Lưu ý:

Các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018.

4. Các trường hợp không phải công bố hợp quy

Căn cứ theo Điều 8 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT, Sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy nhưng không phải công bố hợp quy trong các trường hợp sau:

– Các trường hợp không phải chứng nhận hợp quy quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

– Sản phẩm, hàng hóa không phải là thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để chính tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sử dụng.

– Các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018.”

5. Chứng nhận hợp quy

5.1 Phương thức chứng nhận hợp quy

Căn cứ theo Điều 11 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT:

Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo Phương thức 1 và Phương thức 5 nêu tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể như sau:

Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.

Phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu.

Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

5.2 Giấy chứng nhận hợp quy

Căn cứ theo Điều 12 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT:

Giấy chứng nhận hợp quy do Tổ chức chứng nhận hợp quy cấp có giá trị trên phạm vi toàn quốc.

Giấy chứng nhận hợp quy được cấp cho từng chủng loại sản phẩm, có thời hạn tối đa ba (03) năm. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, tổ chức, cá nhân được phép cung cấp sản phẩm ra thị trường không hạn chế về số lượng.

Giấy chứng nhận hợp quy theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này.

6. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí

6.1 Người nộp lệ phí

Căn cứ theo Điều 2 Thông tư số 183/2016/TT-BTC:

Tổ chức, cá nhân khi đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

6.2 Tổ chức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư số 183/2016/TT-BTC:

Cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa có thẩm quyền cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy là tổ chức thu lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

6.3 Mức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 183/2016/TT-BTC:

Mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy: 150.000 đồng/giấy đăng ký.

Lưu ý:

Thời điểm nộp lệ phí là thời điểm đăng ký làm thủ tục cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy quy định tại Thông tư này (khoản 1 Điều 5 Thông tư số 183/2016/TT-BTC).

7.Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 51 Nghị định 15/2020/NĐ-CP :

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lưu trữ hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Sản xuất, nhập khẩu thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy nhưng không chứng nhận hợp quy hoặc không công bố hợp quy hoặc không gắn dấu hợp quy theo quy định trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường;

– Sử dụng dấu hợp quy không phù hợp với phương thức công bố hợp quy hoặc không đúng mẫu dấu hợp quy đã đăng ký;

– Không thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định;

– Không thực hiện việc giám sát đối với sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy nhưng không duy trì liên tục chất lượng như đã được chứng nhận hoặc công bố.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc thu hồi sản phẩm, thiết bị đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

– Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc buộc tái chế hoặc buộc tái xuất thiết bị nhập khẩu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

 Kết luận:

Khi tiến hành thủ tục Tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất trong nước bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT, Thông tư số 183/2016/TT-BTC.  

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất trong nước bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy