23. Chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật viễn thông 2009, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, Thông tư 40/2017/TT-BTTTT.

1. Khái niệm

Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác (khoản 1 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Kho số viễn thông là tập hợp mã, số thuộc quyền quản lý của Việt Nam được quy hoạch thống nhất để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông (khoản 21 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Hoàn trả mã, số là việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện trả lại mã, số được phân bổ cho cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông hoặc thành viên của cơ quan, tổ chức, thuê bao viễn thông tự nguyện trả lại mã, số được cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi không còn nhu cầu sử dụng (khoản 5 Điều 3 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT).

2. Trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng kho số

2.1 Cục Viễn thông:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, Cục Viễn thông có trách nhiệm:

– Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số trình Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;

– Trình Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo mã, số; đề nghị cấp mã, số đối với các tổ chức quốc tế;

– Xây dựng kế hoạch đổi số thuê bao viễn thông trong trường hợp đổi số thuê bao viễn thông có thay đổi độ dài, cấu trúc số trình Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;

– Trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt việc phân bổ, thu hồi, chấp nhận hoàn trả mã, số; chấp nhận đổi số thuê bao viễn thông đối với các mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh;

– Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số;

– Phân bổ, thu hồi, chấp nhận hoàn trả mã, số; chấp nhận việc đổi số thuê bao không thay đổi độ dài, cấu trúc số theo quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT;

– Yêu cầu ngừng việc thực hiện hợp đồng thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông nếu phát hiện hợp đồng vi phạm quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số;

– Thu, quản lý, sử dụng phí và lệ phí kho số theo quy định;

– Xây dựng hệ thống kỹ thuật kết nối với các doanh nghiệp viễn thông để phục vụ việc thu thập, lưu giữ, quản lý số liệu về mã, số;

– Giám sát, thống kê việc sử dụng mã, số;

– Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động quản lý và sử dụng kho số.

2.2 Sở Thông tin và Truyền thông:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

– Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc quản lý và sử dụng kho số theo quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số;

– Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quản lý và sử dụng kho số trên địa bàn.

2.3 Doanh nghiệp viễn thông:

Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

– Tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;

– Xây dựng, ban hành, thực hiện quy định quản lý, kế hoạch khai thác mã, số đã được phân bổ;

– Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác có liên quan đưa mã, số được phân bổ vào khai thác, đồng thời thông báo và hướng dẫn cho người sử dụng dịch vụ viễn thông việc sử dụng mã, số;

– Cấp, hoàn trả, cho thuê mã, số được phân bổ theo quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số;

– Kiểm tra và thu hồi mã, số sử dụng không đúng mục đích hoặc sai quy định;

– Đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để lưu giữ, quản lý số liệu về mã, số được phân bổ. Thực hiện kết nối hệ thống kỹ thuật với Cục Viễn thông khi có yêu cầu để phục vụ công tác quản lý kho số.

2.4 Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số:

Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số có trách nhiệm:

– Khai thác, sử dụng các mã, số được phân bổ theo đúng quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số;

Hoàn trả mã, số khi không còn nhu cầu sử dụng.

2.5 Người sử dụng dịch vụ viễn thông:

Căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm:

– Sử dụng số thuê bao được cấp theo đúng hợp đồng sử dụng dịch vụ hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ giao kết với doanh nghiệp viễn thông và quy định quản lý và sử dụng kho số;

Hoàn trả lại số thuê bao khi không còn nhu cầu sử dụng.

3. Chế độ báo cáo

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT:

Định kỳ hàng năm, trước ngày 15 tháng 01 của năm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số có trách nhiệm báo cáo Cục Viễn thông bằng văn bản số liệu và tình hình khai thác, sử dụng các mã, số của năm trước theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số chịu trách nhiệm về tính chính xác và kịp thời của nội dung số liệu báo cáo. Trong trường hợp cần thiết, đối tượng báo cáo có trách nhiệm chứng minh tính chính xác của số liệu báo cáo theo yêu cầu của Cục Viễn thông; cử cán bộ phối hợp và cung cấp các trang thiết bị cần thiết để Cục Viễn thông thẩm tra số liệu báo cáo.

4. Phí và lệ phí kho số viễn thông

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT:

– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số có trách nhiệm nộp lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số theo quy định.

– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ nhận được quyết định phân bổ mã, số sau khi đã nộp lệ phí phân bổ kho số theo quy định.

Trong vòng 30 ngày sau khi nhận được thông báo nộp phí sử dụng kho số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí theo quy định.

Lưu ý:

Hoàn trả mã, số mà doanh nghiệp viễn thông đã cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông: Khi không còn nhu cầu sử dụng, người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện thủ tục hoàn trả mã, số đã được cấp theo đúng hợp đồng sử dụng dịch vụ hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ đã ký với doanh nghiệp viễn thông và quy định quản lý và sử dụng kho số (khoản 2 Điều 30 Thông tư 25/2015/TT-BTTTT).

– Kể từ ngày được chấp nhận hoàn trả mã, số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải chấm dứt việc khai thác, sử dụng mã, số và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 30Thông tư 25/2015/TT-BTTTT).

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm về quy hoạch, quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông:

– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không hoàn trả kho số viễn thông đã được cấp khi không còn nhu cầu sử dụng.

– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng kho số viễn thông đã được phân bổ không đúng mục đích, phạm vi, đối tượng theo quyết định phân bổ, quy định quản lý và sử dụng kho số viễn thông.

– Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng kho số viễn thông khi đã có quyết định thu hồi kho số.

– Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng kho số viễn thông không nằm trong quy hoạch kho số viễn thông hoặc khi chưa được phân bổ.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc thu hồi kho số viễn thông đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện xem tại đây:

Chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông