24. Kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật viễn thông 2009Nghị định số 25/2011/NĐ-CPNghị định 15/2020/NĐ-CP Thông tư số 82/2020/TT-BTCThông tư số 07/2020/TT-BTTTT.

1. Khái niệm

Thiết bị viễn thông là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm, được dùng để thực hiện viễn thông (khoản 2 Điều 3 Luật viễn thông 2009).

Thiết bị viễn thông bắt buộc kiểm định là các thiết bị mạng, thiết bị đo lường tính giá cước thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” (khoản 1 Điều 2 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT).

Đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định là một hoặc tổ hợp thiết bị vô tuyến điện, bao gồm cả thiết bị phụ trợ kèm theo được triển khai để thực hiện nghiệp vụ vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” (khoản 2 Điều 2 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT).

Kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc đo kiểm và chứng nhận thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Việc kiểm định không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp đối với chất lượng, an toàn của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 2 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT).

2. Các trường hợp kiểm định

Căn cứ theo Điều 6 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT thì có 3 trường hợp kiểm định như sau:

Kiểm định lần đầu

Đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định”: trước khi đưa thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện vào khai thác sử dụng, tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm định theo thủ tục quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Kiểm định lại

– Đối với các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định: trước ngày hết hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định ít nhất sáu mươi (60) ngày các tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm định lại theo thủ tục quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

– Đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định: khi có sự thay đổi thông số kỹ thuật ngoài quy định cho phép hoặc khi có thay đổi công trình xây dựng lân cận dẫn đến mất an toàn phơi nhiễm trường điện từ, Giấy chứng nhận kiểm định đối với thiết bị đó sẽ hết hiệu lực và tổ chức, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, khắc phục những điểm chưa phù hợp và tiến hành kiểm định lại thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện theo thủ tục quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

– Trường hợp thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định và có giới hạn an toàn ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định: khi có sự thay đổi thông số kỹ thuật trong quy định cho phép thì tổ chức, doanh nghiệp không phải kiểm định lại và phải chịu trách nhiệm đảm bảo độ an toàn của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện.

Kiểm định bất thường

Thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi đã khắc phục xong sự cố hoặc theo nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, khai thác thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện.

3. Giám sát thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định

Căn cứ theo Điều 8 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT thì tổ chức kiểm định có trách nhiệm thực hiện giám sát và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giám sát các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thông báo các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định nhưng không còn phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

4. Phí thẩm định

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT phí thẩm định được quy định như sau:

Tổ chức, doanh nghiệp nộp phí thẩm định cho tổ chức kiểm định trong vòng mười lăm (15) ngày kể từ ngày tổ chức kiểm định thông báo phí thẩm định. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không nộp phí thẩm định đúng thời hạn, tổ chức kiểm định có quyền từ chối thẩm định và thông báo bằng văn bản tới tổ chức, doanh nghiệp.

Phí thẩm định đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp thẩm định theo yêu cầu tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp đối với các thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện không thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” thì chi phí thẩm định thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức kiểm định và các tổ chức, doanh nghiệp.

5. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam

5.1 Người nộp lệ phí

Căn cứ theo Điều 2  Thông tư số 82/2020/TT-BTC:

Các tổ chức, doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện thuộc công trình viễn thông là người nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

5.2 Tổ chức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 3  Thông tư số 82/2020/TT-BTC thì Bộ Thông tin và Truyền thông giao thực hiện thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện thuộc công trình viễn thông là tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này..

5.3 Mức thu phí, lệ phí

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 82/2020/TT-BTC:

Mức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện thuộc công trình viễn thông: 1.100.000 đồng/lần thẩm định.

Lưu ý

Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại kho bạc nhà nước

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí theo tháng và quyết toán theo năm theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

( Điều 5 Thông tư số 82/2020/TT-BTC).

6. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 15/2020/NĐ-CP

Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Không niêm yết đúng thời gian quy định bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện;

– Không niêm yết Bản công bố trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng không thuộc Danh mục thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Không kiểm định lại đúng thời gian quy định đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định và sắp hết hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định;

– Không kiểm định bất thường đúng thời gian quy định đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện đã được kiểm định nhưng có sự thay đổi vượt quá mức giới hạn an toàn cho phép ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định hoặc thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện không còn phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

– Không báo cáo đúng thời gian quy định đến Tổ chức kiểm định đã cấp Giấy chứng nhận kiểm định về những sự thay đổi của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Sử dụng thiết bị viễn thông đã được kiểm định nhưng Giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực;

– Không thực hiện việc kiểm định trước khi đưa thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị viễn thông và đài vô tuyến bắt buộc kiểm định vào sử dụng;

– Không báo cáo tình hình kiểm định theo quy định.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật viễn thông 2009Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Thông tư số 82/2020/TT-BTCThông tư số 07/2020/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện