15. Cấp/cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản

Posted on

Dựa trên những quy định tại Luật Xuất bản 2012, Nghị định 195/2013/NĐ-CP, Nghị định 150/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2020/TT-BTTTT , Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về việc cấp, cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản.

1. Khái niệm.

Khoản 1 Điều 4 Luật Xuất bản 2012 quy định Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.

Khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản 2012 quy định Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:

+ Sách in;

+ Sách chữ nổi;

+ Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;

+ Các loại lịch;

+ Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

2. Điều kiện thành lập nhà xuất bản.

Điều 13 Luật Xuất bản 2012 quy định việc thành lập nhà xuất bản phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;

– Có người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 của Luật này để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu;

– Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;

Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản. (khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)

Ngoài những điều kiện trên thì Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định thêm một số điều kiện sau:

– Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 mét vuông (m2) sử dụng trở lên;

– Có ít nhất 05 (năm) tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản;

– Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản.

3. Cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản.

Khoản 1 Điều 14 Luật Xuất bản 2012 quy định Cơ quan chủ quản nhà xuất bản lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khoản 2 Điều 14 Luật Xuất bản 2012 quy định:

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

+ Sau khi được cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản, cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập nhà xuất bản và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để nhà xuất bản hoạt động.

Lưu ý: Nhà xuất bản được hoạt động phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép thành lập.

4. Cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản.

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi có một trong những thay đổi sau đây thì cơ quan chủ quản nhà xuất bản phải đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản:

+ Thay đổi cơ quan chủ quản, tên gọi của cơ quan chủ quản nhà xuất bản và tên nhà xuất bản;

+ Thay đổi loại hình tổ chức của nhà xuất bản;

+ Thay đổi tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu của nhà xuất bản.

Hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp đổi giấy phép;

+ Giấy phép thành lập nhà xuất bản đã được cấp.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cấp đổi giấy phép; trường hợp không cấp đổi giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

– Trường hợp thay đổi trụ sở làm việc, nhà xuất bản phải gửi thông báo bằng văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi thay đổi.

(Điều 15 Luật Xuất bản 2012)

Lưu ý: Khoản 1 Điều 25 Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định Trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan chủ quản nhà xuất bản phải làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản.

Kết luận: Việc Cấp/cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản phải tuân theo những quy định tại Luật Xuất bản 2012, Nghị định 195/2013/NĐ-CP, Nghị định 150/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2020/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp/cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản