19. Cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản
Dựa trên những quy định tại Luật xuất bản 2012, Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xuất bản, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về việc cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản.
1. Khái niệm:
Điều 4 Luật xuất bản 2012 định nghĩa:
Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.
Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
– Sách in;
– Sách chữ nổi;
– Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;
– Các loại lịch;
– Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
2. Xác nhận đăng ký xuất bản và cấp số xác nhận đăng ký xuất bản.
2.1. Trước khi tiến hành xuất bản:
Nhà xuất bản phải thực hiện các công việc sau theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Xuất bản 2012 khi đăng kí xuất bản:
– Trước khi tiến hành xuất bản hoặc tái bản nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định.
– Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản.
Lưu ý: Việc đăng ký xuất bản của nhà xuất bản không giới hạn số lượng tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm trong mỗi lần đăng ký và nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký xuất bản (khoản 1 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP)
2.2. Thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xác nhận đăng ký.
– Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu nhà xuất bản thẩm định hoặc giải trình về tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản để xác nhận đăng ký theo quy định khoản 4 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP
– Ngoài ra Bộ quy định chi tiết về các vấn đề sau theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP:
+ Quản lý, vị trí, kích thước, yêu cầu kỹ thuật, cách thức ghi số xác nhận đăng ký xuất bản.
+ Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN).
+ Phương thức đăng ký xuất bản qua mạng Internet.
2.3. Quản lý số xác nhận đăng ký xuất bản
Việc quản lí số xác nhận đăng kí xuất bản quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT:
– Số xác nhận đăng ký xuất bản được cấp cho từng xuất bản phẩm và được ghi trong giấy xác nhận đăng ký xuất bản. Nhà xuất bản phải ghi chính xác số xác nhận đăng ký xuất bản trên xuất bản phẩm được xuất bản theo hướng dẫn trong giấy xác nhận đăng ký xuất bản.
– Hạn chót là ngày 31 tháng 3 của năm liền sau năm xác nhận đăng ký, nhà xuất bản phải báo cáo với Cục Xuất bản, In và Phát hành danh mục tên xuất bản phẩm đã được cấp số xác nhận đăng ký xuất bản nhưng không thực hiện xuất bản.
3. Các trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối xác nhận đăng ký xuất bản.
Các trường hợp được quy định cụ thể tại Khoản 7 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP như sau:
– Nội dung đăng ký xuất bản không phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản;
– Tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản có tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan;
– Tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm trước đó đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối xác nhận đăng ký hoặc cấm lưu hành, tịch thu, tiêu hủy hoặc do nhà xuất bản thu hồi, tiêu hủy;
– Tác phẩm, tài liệu và xuất bản phẩm liên kết xuất bản, tái bản của đối tác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản từ 02 (hai) lần trở lên trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày bị xử phạt lần đầu hoặc đối tác liên kết không đủ điều kiện liên kết, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định;
– Nhà xuất bản không chấp hành biện pháp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật;
– Các trường hợp khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.
Lưu ý:
Văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản và có giá trị đến hết ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng ký.
Kết luận: Để được cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản thì chủ thể yêu cầu cần tuân theo quy định tại Luật xuất bản 2012, Nghị định 195/2013/NĐ-CP, Thông tư 01/2020/TT-BTTTT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản