7. Cấp giấy chứng nhận y tế (HC) đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn và chất lượng ngày càng được nâng cao, dẫn đến sự đòi hỏi về uy tín sản phẩm, thương hiệu. Chính vì vậy, việc Cấp giấy chứng nhận y tế (HC) đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm là thủ tục bắt buộc và quan trọng trước khi đưa vào sử dụng và chế biến nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và tuân thủ quy chuẩn an toàn đối với người tiêu dùng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Thông tư 52/2015/TT-BYT.
1. Một số khái niệm cơ bản
– Chứng nhận là việc đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ với tiêu chuẩn công bố áp dụng (gọi là chứng nhận hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy). (khoản 12 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007)
– Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. (khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010)
– Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. (khoản 13 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010)
– Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm. (khoản 3 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010)
– Kiểm nghiệm thực phẩm là việc thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm. (khoản 7 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010)
=> Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Y tế có trách nhiệm Chứng nhận y tế đối với thực phẩm; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. (Điều 20 Nghị định 38/2012/NĐ-CP)
2. Chứng nhận y tế (HC) đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
2.1 Sản phẩm thực phẩm xuất khẩu được cấp Giấy chứng nhận y tế (Điều 15 Thông tư 52/2015/TT-BYT)
Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate – HC) được cấp cho thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
2.2 Thẩm quyền cấp HC (khoản 1 Điều 17 Thông tư 52/2015/TT-BYT)
Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm đề nghị cấp HC nộp hồ sơ đến Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế (nộp trực tiếp hoặc nộp hồ sơ theo đường bưu điện).
2.3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận y tế (HC)
Theo Chương III Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm cần đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau:
– Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tươi sống
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm đã qua chế biến
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
– Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
Theo Điều 41 Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu được quy định như sau:
– Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam.
– Phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan.
Lưu ý:
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận chứng nhận y tế, hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu. (khoản 1 Điều 42 Luật An toàn thực phẩm 2010)
– Phải có kết quả kiểm nghiệm của từng mặt hàng thuộc lô hàng xuất khẩu, gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (đối với sản phẩm đã có Quy chuẩn kỹ thuật) hoặc các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn theo quy định (đối với sản phẩm chưa có Quy chuẩn kỹ thuật), thông tin về tên mặt hàng, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng do phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận. (khoản 2 Điều 16 Thông tư 52/2015/TT-BYT)
3. Trường hợp thu hồi HC (Điều 18 Thông tư 52/2015/TT-BYT)
– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp HC giả mạo giấy tờ.
– HC được cấp cho lô hàng xuất khẩu mà sản phẩm thực phẩm thuộc lô hàng đó không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố áp dụng (nếu có).
– Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của sản phẩm thực phẩm đó bị thu hồi (nếu có).
– HC được cấp không đúng thẩm quyền.
4. Một số lưu ý
– Giấy chứng nhận y tế có thể xin cho nhiều sản phẩm khác nhau trong cùng 1 lô hàng xuất khẩu và cho ra 1 Giấy chứng nhận.
– Kết quả kiểm nghiệm phải kiểm nghiệm tất cả các sản phẩm thuộc 1 lô hàng xuất khẩu. Trên kết quả kiểm nghiệm phải thể hiện chi tiết về số lô, ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Kết luận: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế (HC) đến Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, đồng thời tuân thủ các quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010, Thông tư 52/2015/TT-BYT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây: