7. Khám giám định mức độ khuyết tật đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật

Posted on

Khám giám định mức độ khuyết tật đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật là thủ tục hành chính mà cá nhân nộp hồ sơ đề nghị về Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để nhận Biên bản khám giám định xác định mức độ khuyết tật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung theo Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH.

1. Khái niệm

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. (khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010)

Khám giám định mức độ khuyết tật là khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng Giám định y khoa các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật. (khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH)

2. Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật

Căn cứ theo Điều 15 Luật người khuyết tật 2010:

– Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

– Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:

+ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;

+ Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;

+ Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.

– Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.

3. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật

Căn cứ theo Điều 16 Luật người khuyết tật 2010:

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập.

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên sau đây:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;

+ Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;

+ Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;

+ Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;

+ Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

– Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì hoạt động của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký.

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật.

– Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

4. Xác định lại mức độ khuyết tật

Căn cứ theo Điều 20 Luật người khuyết tật 2010:

– Việc xác định lại mức độ khuyết tật được thực hiện theo đề nghị của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật.

– Trình tự, thủ tục xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này.

5. Thời gian có hiệu lực pháp lý của biên bản xác định mức độ khuyết tật

Căn cứ theo Điều 12 Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH:

– Đối với người khuyết tật từ đủ 06 tuổi trở lên: Thời gian có hiệu lực pháp lý của biên bản xác định mức độ khuyết tật là 05 (năm) năm kể từ ngày ban hành biên bản.

– Đối với người khuyết tật dưới 06 tuổi: Thời gian có hiệu lực pháp lý của biên bản xác định mức độ khuyết tật là 03 (ba) năm kể từ ngày ban hành biên bản.

6. Phí khám giám định y khoa

Căn cứ theo Điều 13 Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH:

– Những trường hợp quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật, phí giám định y khoa do ngân sách nhà nước bảo đảm.

– Những trường hợp quy định tại điểm b, điểm c Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật được thực hiện như sau:

+ Nếu kết quả khám giám định đúng như khiếu nại, tố cáo thì phí giám định y khoa do ngân sách nhà nước bảo đảm.

+ Nếu kết quả khám giám định không đúng với khiếu nại, tố cáo thì phí giám định y khoa do cá nhân hoặc tổ chức khiều nại, tố cáo chi trả.

Kết luận: Khám giám định mức độ khuyết tật đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật là thủ tục hành chính mà cá nhân nộp hồ sơ đề nghị về Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh để nhận Biên bản khám giám định xác định mức độ khuyết tật. Trình tự, thủ tục được quy định tại Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Khám giám định mức độ khuyết tật đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật