5. Cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám đa khoa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế
Phòng khám đa khoa khám chữa bệnh nhân đạo có quyền yêu cầu cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám đa khoa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 03/2011/NĐ-CP, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Nghị định 124/2021/NĐ-CP, Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm
Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này. (Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Hoạt động chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa. (Điều 2 Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008)
2. Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám đa khoa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế
2.1. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo
Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có quyền đề nghị được tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo (Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ thực hiện tự cân đối thu chi để bảo đảm kinh phí hoạt động từ các nguồn kinh phí sau tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 03/2011/NĐ-CP :
– Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp;
– Nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân phối hợp lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ;
– Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
– Nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
2.2. Điều kiện thành lập Phòng khám đa khoa
2.2.1. Quy mô phòng khám đa khoa:
Phòng khám đa khoa phải đáp ứng ít nhất các điều kiện tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
– Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi;
– Có phòng cấp cứu, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), phòng lưu người bệnh;
– Có bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Lưu ý:
Nếu đáp ứng đủ điều kiện của các cơ sở dịch vụ y tế thì phòng khám đa khoa được bổ sung quy mô và phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng.
2.2.2. Quy mô cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất được quy định cụ thể ở khoản 2 Điều 25 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
– Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.
– Có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu). Các phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng các yêu cầu ít nhất về diện tích như sau:
+ Phòng cấp cứu có diện tích ít nhất là 12 m2;
+ Phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 15 m2; có ít nhất từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích phải bảo đảm ít nhất là 05 m2 trên một giường bệnh;
+ Các phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu có diện tích ít nhất là 10 m2.
– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
2.2.3. Quy mô thiết bị y tế tại
Yêu cầu về thiết bị y tế tại khoản 3 Điều 25 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
– Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đa khoa đăng ký;
– Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
2.2.4. Quy mô nhân sự
Yêu cầu về nhân sự tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
– Đạt tỷ lệ ít nhất là 50% số lượng bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu.
– Điều kiện cho người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật:
+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà phòng khám đa khoa đăng ký;
+ ít nhất là 54 tháng tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
+ Là người hành nghề cơ hữu tại phòng khám đa khoa.
– Số lượng người làm việc, cơ cấu, chức danh nghề nghiệp của phòng khám đa khoa thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Lưu ý:
Các đối tượng khác ngoài người chịu trách nhiệm thực hiện khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề, được phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.
2.3. Cấp phép:
Cơ sở phải đạt được các điều kiện quy định tại Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009
– Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
Lưu ý:
Đăng ký thành lập phóng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình ngoài đáp ứng các điều kiện trên, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
2.4. Sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009
– Thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn: điều chỉnh giấy phép hoạt động
– Thay đổi hình thức tổ chức, chia tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc thay đổi địa điểm: cấp lại giấy phép hoạt động
3. Xử lí vi phạm hành chính
Bên cạnh trường hợp đáp ứng các điều kiện để được cấp phép thì khi vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật;
b) Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
c) Ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật;
c) Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;
d) Thu cao hơn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán, trừ trường hợp khoản thu chênh lệch do sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, do vượt quá phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế;
đ) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc sau khi đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các cơ sở dịch vụ y tế khác, trừ hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa và bệnh viện.
2a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;
b) Thu cao hơn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán, trừ trường hợp khoản thu chênh lệch do sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, do vượt quá phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cố ý tổ chức chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
b) Không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm;
c) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô dưới 100 giường bệnh.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thuê, mượn giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cho thuê, cho mượn giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
c) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh đến 500 giường bệnh.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;
c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;
d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;
đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;
d) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều này;
đ) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách chuyên môn của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và các điểm b, e khoản 6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 5 Điều này (nếu có);
c)Buộc thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 5 Điều này.
Kết luận: Phòng khám đa khoa khám chữa bệnh nhân đạo sẽ được Cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám đa khoa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế theo quy định của Luật Hoạt động chữ thập đỏ 2008, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 03/2011/NĐ-CP, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, Nghị định 124/2021/NĐ-CP, Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây