Doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì phải được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế từ Tổng cục Du lịch và cấp lại/cấp đổi giấy phép trong trường hợp có sự thay đổi theo quy định pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Du lịch 2017, Nghị định 168/2017/NĐ-CP, Nghị định 45/2019/NĐ-CP, Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, Thông tư 33/2018/TT-BTC, Quyết định 4874/QĐ-BVHTTDL như sau:
1. Một số khái nệm cơ bản
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch (khoản 9 Điều 3 Luật Du lịch 2017)
Doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong phạm vi nhất định, cụ thể như sau (Điều 30 Luật Du lịch 2017):
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định như sau (khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017):
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Lưu ý:
Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (khoản 2 Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP):
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.
3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
3.1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền và nghĩa vụ sau (khoản 2 Điều 37 Luật Du lịch 2017):
– Quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều này;
– Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử;
– Hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan.
3.2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau (khoản 3 Điều 37 Luật Du lịch 2017):
– Quyền và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ, g, h, i và k khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
– Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế để đưa khách du lịch ra nước ngoài theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian đưa khách du lịch ra nước ngoài.
4. Điều kiện cấp lại/ cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
4.1. Điều kiện cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bị mất hoặc bị hư hỏng (khoản 1 Điều 34 Luật Du lịch 2017).
4.2. Điều kiện cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Doanh nghiệp đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 35 Luật Du lịch 2017):
– Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
5. Thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch 2017):
– Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
– Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này;
– Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này;
– Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
– Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
– Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
– Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Lưu ý:
– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải đáp ứng đủ các điều kiện về chức danh, trình độ và chuyên ngành được quy định tại Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL. Trường hợp Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
6. Xử lí vi phạm hành chính
Doanh nghiệp cũng cần chú ý những trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:
6.1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 11 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP):
– Không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định;
– Sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định.
6.2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 12 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP):
– Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
– Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành ghi trong giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
6.3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 13 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP):
– Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
– Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác để hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật;
– Sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.
6.4. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 13 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP):
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.”
6.5. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thuộc những trường hợp quy định tại khoản 15, 16 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
Kết luận: Doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đối với trường hợp cấp lại/ cấp đổi giấy phép là 5 ngày. Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 31 Luật Du lịch 2017, Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BVHTTDL, lưu ý về những trường hợp xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP và yêu cầu về thủ tục số 89, 90, 91 mục I, phần C2 Quyết định 4874/QĐ-BVHTTDL.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế