Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc…. Liên quan đến vấn đề giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lao động, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này dựa trên Luật Bảo hiểm Xã hội 2014; Luật An toàn vệ sinh Lao động 2015; Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH; Nghị định 115/2015/NĐ – CP; Quyết định 636/QĐ – BHXH ngày 22/4/2016 của BHXHVN; Quyết định 828/QĐ – BHXH ngày 27/5/2016 của BHXHVN.
1. Điều kiện để được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1.1. Trường hợp bị tai nạn lao động
Theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
– Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động hoặc người được đơn vị sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
– Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên;
Lưu ý:
– Theo khoản 6 Điều 11 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH thì người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau:
+ Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP và Nghị định 126/2015/NĐ-CP (Hiện tại 2 văn bản này đã thay thế bởi Nghị định 73/2018/NĐ-CP).
– Một số trường hợp cá biệt quy định tại Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về, như sau (Theo Điều 11 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH):
+ Đối với trường hợp người lao động sau khi về hưu mới đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động thì người sử dụng lao động nơi người bị tai nạn lao động lập thủ tục hồ sơ theo quy định chuyển cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi chi trả lương hưu và trong trường hợp này hồ sơ không gồm sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp đơn vị đang làm thủ tục giải thể thì Hội đồng giải thể có trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ; nếu đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ.
+ Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho người lao động khi chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác mà được xác định là tai nạn lao động, thì đơn vị nơi người lao động đến làm việc được xác định là đơn vị nơi người lao động bị tai nạn lao động và người sử dụng lao động của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
+ Tai nạn do các yếu tố bệnh lý trong quá trình lao động thì căn cứ kết quả điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động sau khi được thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt để giải quyết chế độ cho người lao động.
+ Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian không đăng ký đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi đối với người lao động theo Khoản 4 Điều 39 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
1.2. Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp
Quy định tại Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động
Lưu ý:
– Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
– Trình tự, hồ sơ, giám định giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp Điều 6 Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Điều 10 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
2. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lao động lần đầu
Căn cứ vào Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH người lao động khi bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp lần đầu sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng trong từng trường hợp, cụ thể dưới đây:
2.1. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần
– Điều kiện hưởng: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
– Mức hưởng: Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp quy định trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
– Cách tính:
Mức trợ cấp một lần |
= |
Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động |
+ |
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp |
|
= |
{5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} |
+ |
{0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L} |
Trong đó:
– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
– m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
– L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
– t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
Ví dụ 1: Ông A là công chức bị tai nạn lao động ngày 16 tháng 6 năm 2017. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ra viện ngày 05 tháng 7 năm 2017. Ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông A có 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 5 năm 2017 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với hệ số là 3,66. Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 7 năm 2017 là 1.300.000 đồng, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với ông A được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.300.000 + (20 – 5) x 0,5 x 1.300.000 = 16.250.000 (đồng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,5 x 3,66 x 1.300.000 + (10 – 1) x 0,3 x 3,66 x 1.300.000 = 15.225.600 (đồng).
– Mức trợ cấp một lần của ông A là:
16.250.000 + 15.225.600 = 31.475.600 (đồng)
Ví dụ 2: Ông B bị tai nạn lao động ngày 12 tháng 5 năm 2017. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ra viện ngày 10 tháng 8 năm 2017. Ông B được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%.
Ông B bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 01 năm 2016 thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có 01 năm 4 tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 4 năm 2017 với hệ số là 2,34; Với mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng tại thời điểm tháng 8 năm 2017, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với ông B được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.300.000 + (20 – 5) x 0,5 x 1.300.000 = 16.250.000 (đồng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5 x 2.831.400 = 1.415.700 (đồng)
(mức đóng bảo hiểm xã hội tháng 4 năm 2017 của ông B là: 2,34 x 1.210.000 = 2.831.400 đồng)
– Mức trợ cấp một lần của ông B là:
16.250.000 + 1.415.700 = 17.665.700 (đồng)
Ví dụ 3: Ông Đ bị tai nạn lao động tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông Đ được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông Đ có 14 năm đóng bảo hiểm xã hội (trong đó có 01 năm đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ, 02 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hai chế độ hưu trí, tử tuất và 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 3.200.000 đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng.
Ông Đ thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.210.000+ (20- 5) x 0,5 x 1.210.000 = 15.125.000 (đồng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,5 x 3.200.000 + (10 – 1) x 0,3 x 3.200.000 = 10.240.000 (đồng)
– Mức trợ cấp một lần của ông Đ là:
15.125.000 + 10.240.000 = 25.365.000 (đồng).
Ví dụ 4: Ông B tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X từ tháng 9 năm 2016 và bị tai nạn lao động vào ngày 16 tháng 9 năm 2016. Sau khi thương tật ổn định và được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động 20%, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9 năm 2016 là 3.200.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông B thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.210.000+ (20-5) x 0,5 x 1.210.000 = 15.125.000 (đồng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5 x 3.200.000 = 1.600.000 (đồng)
– Mức trợ cấp một lần của ông B là:
15.125.000 + 1.600.000 = 16.725.000 (đồng)
* Đối với việc tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp thực hiện theo Điều 6 và Điều 7 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH
2.2. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng
– Điều kiện hưởng: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên
– Mức hưởng: Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
– Cách tính:
Mức trợ cấp hằng tháng |
= |
Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động |
+ |
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
Trong đó:
{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}
– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
– m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤m ≤ 100).
– L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
– t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
Ví dụ 5: Ông E trên đường đi họp bị tai nạn giao thông vào tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật ông E được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 40%.
Ông E có 12 năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 3.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông E thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.210.000 + (40 – 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 (đồng/tháng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,005 x 3.400.000 + (12 – 1) x 0,003 x 3.400.000 = 129.200 (đồng/tháng)
– Mức trợ cấp hằng tháng của ông E là:
580.800 đồng/tháng + 129.200 đồng/tháng = 710.000 (đồng/tháng).
Ví dụ 6:
Ông M tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X từ tháng 9 năm 2016 và bị tai nạn lao động vào ngày 05 tháng 9 năm 2016. Sau khi thương tật ổn định và được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động 40%, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9 năm 2016 là 3.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông M thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.210.000 + (40 – 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 (đồng/tháng)
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,005 x 3.400.000 = 17.000 (đồng/tháng)
– Mức trợ cấp hằng tháng của ông M là:
580.800 đồng/tháng + 17.000 đồng/tháng = 597.800 (đồng/tháng)
Ví dụ 7: Ông Q có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2017 với mức lương là 17.000.000 đồng/tháng. Có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp Z từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018 và với mức lương là 5.000.000 đồng/tháng.
Ngày 09 tháng 01 năm 2017 ông Q bị tai nạn lao động. Như vậy, Doanh nghiệp Z vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 01 năm 2017 đối với ông Q và thời gian, tiền lương làm căn cứ để tính khoản trợ cấp tai nạn lao động theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với ông Q như sau:
– Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động của ông Q chỉ được tính từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016.
– Tiền lương làm căn cứ tính hưởng trợ cấp theo thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của ông Q được xác định:
+ Là tổng tiền lương của tháng 12 năm 2016 tại Doanh nghiệp X và tiền lương của tháng 01 năm 2017 tại Doanh nghiệp Z nếu ông Q bị tại nạn lao động tại doanh nghiệp Z;
+ Là tiền lương của tháng 12/2016 tại Doanh nghiệp X nếu ông Q bị tai nạn lao động tại Doanh nghiệp X.
Ví dụ 8: Ông A giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X. Đồng thời, Ông A có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Y. Tháng 8 năm 2016, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì Ông A bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Ông A có 12 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng bắt đầu hưởng trợ cấp tai nạn lao động là 1.210.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.210.000 + (40 – 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 đồng/tháng.
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 + (12 – 1) x 0,003 x 13.400.000 = 509.200 đồng/tháng.
– Mức trợ cấp hàng tháng là 580.800 + 509.200 = 1.090.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Ví dụ 9: Tháng 8 năm 2016, ông A đồng thời có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y. Ngày 20 tháng 8 năm 2016, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì ông A bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Giả sử mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.210.000 + (40 – 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 đồng/tháng.
– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 = 67.000 đồng/tháng.
– Mức trợ cấp hàng tháng là 580.800 đồng/tháng + 67.000 đồng/tháng = 647.800 đồng/tháng.
Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Lưu ý:
– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần, mức trợ cấp một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp đang hưởng. Hồ sơ, trình tự giải quyết trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 109 và khoản 4 Điều 110 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Ví dụ 10: Bà A đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp tại thời điểm tháng 12 năm 2016 là 2.000.000 đồng. Tháng 01 năm 2017 bà A ra nước ngoài định cư, bà A được hưởng mức trợ cấp một lần bằng: 3 x 2.000.000 đồng = 6.000.000 đồng.
– Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng mức hưởng của người lao động bị bệnh nghề nghiệp do suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% không phải qua giám định y khoa. Trường hợp giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn thì mức hưởng được tính theo mức suy giảm khả năng lao động tại kết luận của Hội đồng Giám định y khoa và hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này phải có biên bản giám định y khoa
– Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội 2014; hồ sơ, trình tự giải quyết hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Trường hợp tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; việc quyết định chấm dứt hưởng phải căn cứ vào kết luận, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng khi chuyển đến ở nơi khác trong nước có nguyện vọng hưởng trợ cấp tại nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Giải quyết hưởng trợ cấp đối tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lần đầu
Theo Điều 59 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
– Đối với người sử dụng lao động
Trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật an toàn vệ sinh lao động.
– Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Thời điểm hưởng trợ cấp
Theo Điều 50 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định thời điểm hưởng trợ cấp như sau:
– Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
-Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Kết luận: Khi người lao động thuộc trường được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp lần đầu thì người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trợ cấp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 29 Mục 2 Quyết định 636/QĐ – BHXH ngày 22/4/2012 của BHXHVN. Việc chi trả trợ cấp được quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Mục 2 và Điều 22, Điều 23 Mục 3 Quyết định 828/QĐ – BHXH ngày 27/5/2016 của BHXHVN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lao động lần đầu