28. Chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ

Posted on

Trong quá trình hoạt động các cá nhận, tổ chức có thể thực hiện thủ tục Chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Nghị định 89/2016/NĐ-CP, Nghị định 16/2019/NĐ-CP, Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 11/2016/TT-NHNN, Thông tư 15/2019/TT-NHNN.

1. Khái niệm

Tổ chức kinh tế (không bao gồm tổ chức tín dụng) là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 89/2016/NĐ-CP.

2. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ

Theo khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 16/2019/NĐ-CP, điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ gồm các điều kiện sau:

– Có hợp đồng với đối tác nước ngoài về dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

– Có phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ do người đại diện hợp pháp ký.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ

Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 34/2015/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm:

– Đơn đề nghị chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ (theo mẫu tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này);

– Bản sao các giấy tờ chứng minh việc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật;

– Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt hợp đồng nhận và chi, trả ngoại tệ ký với đối tác nước ngoài (bao gồm những nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, người đại diện và tư cách pháp nhân của các bên; Số tài khoản, ngân hàng nơi mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của trụ sở chính tổ chức kinh tế; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong trường hợp người thụ hưởng có nhu cầu nhận bằng đồng Việt Nam (nếu có); Phí hoa hồng được hưởng; Các thỏa thuận khác (về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thời hạn của hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, giải quyết tranh chấp phát sinh và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật));

– Phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ (bao gồm những nội dung chính sau: Địa bàn hoạt động và nguồn nhân lực dự kiến; Nội dung, phương thức, quy trình nhận và chi, trả ngoại tệ; Dự kiến về doanh số, thu nhập từ hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ);

– Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.

4. Trình tự, thủ tục chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ

Điều 12 Thông tư 34/2015/TT-NHNN và khoản 4 Điều 1 Thông tư 11/2016/TT-NHNN, trình tự, thủ tục chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ được quy định như sau:

Tổ chức kinh tế có nhu cầu thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn có văn bản yêu cầu tổ chức bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn xem xét, cấp văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ (theo mẫu tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn có văn bản thông báo rõ lý do.

Trình tự, thủ tục chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ đối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam:

– Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gửi 01 (một) bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước;

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bổ sung hồ sơ.

– Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ (theo mẫu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư 34/2015/TT-NHNN. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo rõ lý do.

Thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ căn cứ theo thời hạn hiệu lực của Hợp đồng ký với đối tác nước ngoài hoặc căn cứ vào Hợp đồng có thời hạn hiệu lực dài nhất trong trường hợp có nhiều Hợp đồng trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và tối đa không quá 5 (năm) năm kể từ ngày ký;

Lưu ý: điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 34/2015/TT-NHNN quy định  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm Chấp thuận hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ; chấp thuận thay đổi, bổ sung, gia hạn hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam;

Kết luận: Khi thực hiện Chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ cần gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời lưu ý các yêu cầu quy định tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP, Nghị định 16/2019/NĐ-CP, Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 11/2016/TT-NHNN, Thông tư 15/2019/TT-NHNN.

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ