CẤP, CẤP SỬA ĐỔI BỔ SUNG, CẤP LẠI GIẤY PHÉP BÁN BUÔN RƯỢU

Posted on

Kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối, bán buôn rượu cần phải xin giấy phép theo quy định của pháp luật thì mới được phép thực hiện hoạt động kinh doanh. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể rõ về việc Cấp, cấp sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy phép bán buôn rượu theo quy định của pháp luật tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP

1. Nguyên tắc quản lý rượu

Nguyên tắc quản lí rượu quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP:
– Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.
– Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
– Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy.
Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.”

2. Yêu cầu, điều kiện thực hiện

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 12 Nghị định 105/2017/NĐ-CP).

– Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ rượu (khoản 6 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).

– Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác (khoản 5 Điều 12 Nghị định 105/2017/NĐ-CP).

3. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ

3.1. Quyền và nghĩa vụ chung (khoản 1 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP và khoản 10 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)

– Mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp;

– Niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được mua, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp, trừ trường hợp đối với thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ;

– Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán buôn rượu (khoản 3 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP và khoản 12 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)

– Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong, nước, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu khác theo nội dung ghi trong giấy phép;

– Bán rượu cho các thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép;

– Bán rượu cho thương nhân mua rượu để xuất khẩu;

– Trực tiếp bán lẻ rượu tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép.

4. Thẩm quyền và thời hạn

4.1. Thẩm quyền

Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (điểm b, khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó. (điểm d khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP).

4.2. Thời hạn

Thời hạn của Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép phân phối rượu, Giấy phép bán buôn rượu, Giấy phép bán lẻ rượu là 05 năm (khoản 20 Điều 16, Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

Lưu ý:

– Đối với Giấy phép bán buôn rượu: Giấy phép được làm thành nhiều bản: 02 bản lưu tại cơ quan cấp phép; 01 bản gửi doanh nghiệp được cấp Giấy phép; 01 bản gửi Bộ Công Thương; 01 bản gửi Chi Cục Quản lý thị trường; 01 bản gửi mỗi thương nhân sản xuất rượu hoặc doanh nghiệp kinh doanh rượu khác có tên trong giấy phép (khoản 4 Điều 29 Nghị định 105/2017/NĐ-CP).

5. Thu hồi Giấp phép

Giấy phép bị thu hồi trong các trường hợp (Điều 33 Nghị định 105/2017/NĐ-CP):

– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp;

– Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định;

– Chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh;

– Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

– Thương nhân đã được cấp giấy phép nhưng không hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục.

6. Xử lí vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 39 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu và xử phạt hành chính như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu mà không có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng theo quy định.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

+ Không có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu hoặc các thương nhân phân phối sản phẩm rượu khác.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn hoặc không có hợp đồng thuê phương tiện phù hợp với quy mô kinh doanh theo quy định;

+ Không có kho hàng hoặc hệ thống kho hàng thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn hoặc không có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh theo quy định;

+ Không có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường theo quy định.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không có hệ thống phân phối sản phẩm rượu theo quy định;

+ Kinh doanh bán buôn rượu mà không phải là doanh nghiệp theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Kết luận: Cấp, cấp sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy phép bán buôn rượu quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép bán buôn rượu  

Cấp lại Giấy phép bán buôn rượu  

Cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép bán buôn rượu