HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, HÀNH LÝ KÝ GỬI CỦA NGƯỜI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH THẤT LẠC, NHẦM LẪN

Posted on

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của nguời nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn được giải quyết như thế nào? Thủ tục để nhận lại hàng hóa, hành lý thất lạc, nhầm lẫn ra sao? Và bạn được nhận hàng, hành lý đó ở đâu? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo  Luật Hải quan 2014Luật Thương mại 2005, Nghị định số 08/2015/NĐ-CPNghị định 59/2018/NĐ-CPThông tư 203/2014/TT-BTCThông tư 38/2015/TT-BTC như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan. (khoản 6 Điều 4 Luật Hải quan 2014)

Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh, bao gồm hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. (khoản 7 Điều 4 Luật Hải quan 2014)

Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. (khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại 2005)

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. (khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại 2005)

2. Người chịu trách nhiệm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh bọ thất lạc, nhầm lẫn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Hải quan 2014, đối với những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ký gửi hành lý của người nhập cảnh, xuất cảnh bị thất lạc, nhầm lẫn sẽ do người khai hải quan chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra cơ quan hải quan tại cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nhầm lẫn, thất lạc (Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP)

Như vậy, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị thất lạc, nhầm lẫn thì sẽ được lưu giữ tại bãi, kho của doanh nghiệp vận chuyển. Sau 90 ngày, nếu chưa có người nhận lại hàng thì doanh nghiệp sẽ đưa hàng hóa đó thành hàng hóa tồn đọng và liệt kê thông tin danh sách hàng tồn đọng thông báo cho Chi cục hải quan (khoản 1, Điều 4; Điều 6 Thông tư 203/2014/TT-BTC)

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn (Điều 46 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP)

– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người xuất cảnh, nhập cảnh thất lạc, nhầm lẫn phải chịu sự kiểm tra; giám sát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất.

– Đối với hành lý ký gửi của người xuất cảnh, nhập cảnh qua đường hàng không thất lạc, nhầm lẫn:

Doanh nghiệp kinh doanh cảng hoặc đại diện doanh nghiệp vận chuyển có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan bản kê hành lý ký gửi thất lạc, nhầm lẫn. Cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng không, An ninh Hàng không thực hiện kiểm tra qua máy soi hành lý trước khi đưa hành lý ký gửi thất lạc, nhầm lẫn vào khu vực lưu giữ.

– Trường hợp qua kiểm tra máy soi không phát hiện hành lý vượt tiêu chuẩn định mức miễn thuế theo quy định, hành lý vi phạm thì giao doanh nghiệp kinh doanh cảng hoặc đại diện doanh nghiệp vận chuyển để chuyển trả cho người xuất cảnh, nhập cảnh;

– Trường hợp qua kiểm tra máy soi phát hiện hành lý vượt tiêu chuẩn định mức miễn thuế theo quy định, hành lý vi phạm thì cơ quan hải quan thực hiện niêm phong trước khi đưa vào khu vực lưu giữ hành lý thất lạc, nhầm lẫn của doanh nghiệp kinh doanh cảng. Khi nhận lại hành lý thất lạc, nhầm lẫn, người xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 59 Nghị định này.

Lưu ý:

Việc mở hành lý thất lạc, nhầm lẫn để kiểm tra phải được sự đồng ý và giám sát của cơ quan hải quan.

4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh nếu không có người nhận

4.1. Khái niệm hàng hóa tồn đọng

Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 203/2014/TT-BTC hàng hóa tồn đọng thuộc đối tượng giám sát hải quan được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng) bao gồm:

Hàng hóa mà chủ hàng hóa tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ. Không thừa nhận việc chủ hàng hóa từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

– Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận;

– Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;

– Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, bản khai hàng hóa nhưng không có người đến nhận.

Đối với những hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý ký thất lạc, nhầm lẫn mà không có người nhận, không hồi đáp sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông báo thì bị xem là hàng hóa mà chủ hàng hóa thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ (Khoản 2 Điều 5 Thông tư 203/2014/TT-BTC) và trở thành hàng tồn đọng (Thông tư 15/2014/TT-BTC).

4.2. Hình thức xử lí hàng tồn đọng

Hình thức xử lý hàng tồn đọng theo quy định khoản 2, Điều 14 Thông tư 203/2014/TT-BTC

– Chuyển giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với hàng hóa có giá trị văn hóa – lịch sử, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh;

– Chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để quản lý, sử dụng đối với hàng hóa còn sử dụng được là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị thí nghiệm theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

– Tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng) hoặc thuộc diện buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, Cục Hải quan báo cáo Tổng cục Hải quan để phối hợp với Cục Quản lý công sản trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, Hội đồng xử lý phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tiêu hủy;

– Bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) trong các trường hợp sau đây:

  • Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa, vật phẩm dễ cháy nổ (xăng, gas, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy nổ khác);
  • Hàng thực phẩm đã qua chế biến mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
  • Thuốc chữa bệnh, thuốc thú y mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày;
  • Các loại hàng hóa khác nếu không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng;
  • Hàng hóa theo kết quả định giá của Hội đồng xử lý có giá trị dưới 50 triệu đồng/lô hàng hóa.

– Bán đấu giá đối với hàng hóa không thuộc phạm vi quy định tại các điểm a, c, d khoản này và tài sản quy định tại điểm b khoản này nhưng không xử lý theo hình thức chuyển giao.”

Kết luận: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của nguời nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn được giải quyết theo Luật Hải quan 2014Luật Thương mại 2005, Nghị định số 08/2015/NĐ-CPNghị định 59/2018/NĐ-CPThông tư 203/2014/TT-BTCThông tư 38/2015/TT-BTC

Chi tiết trình tự, thủ tục, mẫu đơn xem tại đây:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý ký gửi của người nhập cảnh, xuất cảnh thất lạc, nhầm lẫn