Thông tin về việc Bộ Tài chính đang trình phương án thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư với mức thu dự tính từ 1.000 – 1.500 đồng/km/xe khiến nhiều bạn đọc băn khoăn.
Như Thanh Niên đã thông tin, sẽ có 2 phương án về thu phí cao tốc được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về mức giá, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất dự kiến thu từ 1.000 – 1.500 đồng/km/xe. Thời gian dự kiến áp dụng ngay trong năm 2020.
Quan trọng là minh bạch
Nhận xét về “tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%” (số liệu từ Bộ Tài chính), nhưng đầu tư xây dựng đường cao tốc cần lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Hải cho rằng “thu phí bao nhiêu không quan trọng lắm, vấn đề là thu phí phải rõ ràng, minh bạch”. Tán thành, BĐ Ba Lê cho rằng cần “tham khảo các nước phát triển họ làm như thế nào? chi phí đầu tư ra sao?”, từ đó “minh bạch các số liệu đầu tư cho người nộp phí biết”.
Vì nếu chứng minh được hiệu quả đầu tư và lợi ích dân sinh như tính toán của Bộ GTVT là “nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km” thì BĐ Jason Tran vẫn cho rằng: “Các hồ sơ tính toán chi phí cần phải được minh bạch, mới đạt đồng thuận”. Cũng BĐ Jason Trần nhận xét có thể việc “thu phí cao tốc giúp tăng ngân sách” nhưng cần đánh giá lâu dài xem việc này “có làm tổn hại sức khỏe nền kinh tế?”.
Đây cũng chính là băn khoăn mà ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, chia sẻ trên Thanh Niên: “Chúng tôi cũng ủng hộ việc tái đầu tư, không thể tuyến nào cũng làm BOT, nhưng giờ đường nào cũng phải đóng phí thì doanh nghiệp rất đuối”. Cũng theo tính toán của ông Quản, hiện 1 chuyến xe di chuyển từ TP.HCM đến Hà Nội và quay đầu lại vào TP.HCM tốn khoảng 8,4 triệu đồng để trả phí BOT, chiếm khoảng 30% tổng chi phí của chuyến xe, chưa tính hàng loạt loại phí khác, trong đó có phí bảo trì đường bộ.
Quản lý phải hiệu quả
Một trong các lý do của phương án “thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư” mà Bộ Tài chính lưu ý là “suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỉ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỉ đồng. Đặc biệt, chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km/năm”.
Nhiều BĐ nhận xét việc nhà nước đầu tư đường cao tốc là hướng đi cần thiết, nhưng phải tính trước tới các biện pháp sử dụng “cây gậy thần quản lý” để giảm các chi phí. BĐ NPhong góp ý: “Tại sao không nghiên cứu sử dụng các phương thức quản lý hiệu quả để giảm chi phí đầu tư và chi phí bảo trì?” khi nhắc lại lời của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông rằng “nếu thu đủ, thì mức phí không chỉ ở 1.500 đồng/km, mà sẽ tới vài nghìn đồng/km”.
BĐ Phong Vũ phân tích nếu thu 1.000 đồng/km cho mỗi xe đi cao tốc công cộng “thì chỉ có thể tăng thu ngân sách được một thời gian ngắn” nhưng lo lắng rằng “chi phí đường sá vận tải sẽ cộng vào giá hàng hóa dịch vụ, làm đội giá tăng lạm phát, tức là làm giảm giá trị thật của tất cả mọi khoản thu khác, kết quả ròng là giảm thu”.
BĐ Ân Dương thì ủng hộ việc thu phí để nhà nước đầu tư “có đường đi an toàn, nhanh và đảm bảo sức khỏe”, nhưng chốt lại một yếu tố tiên quyết là “điều người dân quan tâm là không được để thất thoát”, vì suy cho cùng, vốn ngân sách đem ra đầu tư cao tốc cũng do người dân đóng góp.
Theo thanhnien.vn