1. Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Posted on

Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân là thủ tục hành chính mà cá nhân cần phải thực hiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân. Việc thực hiện thủ tục này được thể hiện theo Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1.Một số vấn đề về doanh nghiệp tư nhân:

a) Định nghĩa:

Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

b) Đặc điểm:

Căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 188  Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân:

  1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
  2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
  3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Phân biệt khái niệm người thành lập doanh nghiệp tư nhân và người quản lý doanh nghiệp tư nhân:

Căn cứ khoản 24 và khoàn 25 Điều 4  Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

–  Người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty..

2. Vốn và góp vốn đầu tư trong doanh nghiệp tư nhân:

Căn cứ Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp như sau:

  1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
  2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Lưu ý: Khi thay đổi vốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện thủ tục quy định tại Điều 55 Nghị định 01/2021/NĐ-CP,: Thông báo thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân

Trường hợp tăng, giảm vốn đầu tư đã đăng ký, chủ doanh nghiệp tư nhân phải gửi Thông báo về việc thay đổi vốn đầu tư đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 56 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về vấn đề vi phạm quy định về doanh nghiệp tư nhân:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

b) Không ghi chép đầy đủ việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư; toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán;

c) Không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký;

d) Thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

đ) Mua doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

3.Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân:

Căn cứ Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2020, nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp như sau:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  1. Tên doanh nghiệp;
  2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số điện thoại; số fax, thư điện tử (nếu có);
  3. Ngành, nghề kinh doanh;
  4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân;
  5. Thông tin đăng ký thuế;
  6. Số lượng lao động dự kiến;
  7. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

Lưu ý:

-Theo Điều 11 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

1.Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

2.Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

4.Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020  thì trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thưc hiện như sau:

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thhực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

2. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

3.Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

4. Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

5.Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Kết luận: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh cần phải thực hiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân. Khi thực hiện, cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh cần xem quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân