THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 11/2008/NĐ-CP VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP CUỘC ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG DO BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 26/06/2008

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH
—–

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–

Số: 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 11/2008/NĐ-CP NGÀY 30/01/2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP CUỘC ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 11/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động (sau đây gọi là Nghị định số 11/2008/NĐ-CP), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng việc bồi thường thiệt hại theo Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh    

a) Thông tư này quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại và hình thức bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân tham gia đình công gây thiệt hại cho người sử dụng lao động trong trường hợp cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP.

b) Việc bồi thường thiệt hại về tài sản của người lợi dụng cuộc đình công (dù cuộc đình công đó là hợp pháp hay bất hợp pháp) cố ý xâm phạm tài sản của doanh nghiệp thì không áp dụng theo quy định tại Nghị định số 11/2008/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này mà áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân đã lãnh đạo hoặc tham gia cuộc đình công bất hợp pháp:

– Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời (sau đây gọi tắt là Ban chấp hành công đoàn cơ sở);

– Đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với liên đoàn lao động cấp huyện hoặc tương đương;

– Người lao động.

b) Người sử dụng lao động bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

– Công ty nhà nước trong thời gian chuyển đổi theo khoản 2 Điều 166 của Luật Doanh nghiệp.

– Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

– Tổ chức, đơn vị, cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 4 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau: 

a) Trường hợp cuộc đình công do tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại.

b) Trường hợp cuộc đình công do đại diện tập thể lao động lãnh đạo bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì những người được cử làm đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công phải chịu trách nhiệm cá nhân theo phần trong việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động theo Điều 5 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau: 

Trong thời hạn 01 (một) năm, kể từ ngày quyết định của Toà án nhân dân về tính bất hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công bồi thường thiệt hại.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung về giá trị thiệt hại, mức yêu cầu bồi thường, phương thức và thời hạn bồi thường theo Mẫu số 1 kèm theo Thông tư này.

Văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại và các tài liệu liên quan được gửi đến Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động, đồng thời gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra cuộc đình công.

3. Xác định thiệt hại để bồi thường

Xác định thiệt hại để bồi thường theo Điều 6 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra. Giá trị thiệt hại được tính bằng tiền Việt Nam, theo mức độ thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra, bao gồm:

– Giá trị máy móc, thiết bị bị hỏng phải thay thế; nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh bị hư, hỏng không sử dụng được; bán thành phẩm, sản phẩm đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện quy trình bảo quản, đóng gói bị hư hỏng không còn sử dụng được sau khi trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý (nếu có).

– Chi phí vận hành máy móc, thiết bị trong thời gian đình công diễn ra để tránh bị hỏng như: tiền điện, tiền nước, tiền xăng dầu, tiền thuê nhân công vận hành…; chi phí sửa chữa đối với các loại máy móc, thiết bị đã bị hỏng; chi phí bảo quản nguyên vật liệu, sản phẩm trong thời gian diễn ra đình công; chi phí tái chế nguyên vật liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm bị hư hỏng; chi phí thuê dọn dẹp, vứt đổ nguyên vật liệu, sản phẩm hư hỏng.

b) Nguyên tắc xác định giá bồi thường thiệt hại là giá thị trường tại thời điểm xảy ra đình công bất hợp pháp; riêng đối với tài sản cố định bị hỏng do ngừng vận hành, phải thay thế, sửa chữa thì giá bồi thường thiệt hại được xác định căn cứ vào nguyên giá tài sản cố định, mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành và giá trị thu hồi do thanh lý (nếu có).

c) Trường hợp hai bên không nhất trí về giá trị thiệt hại thì có quyền yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại. Chi phí xác định giá trị thiệt hại do bên yêu cầu thanh toán.

Tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại là tổ chức thẩm định giá được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Mức bồi thường thiệt hại

Mức bồi thường thiệt hại theo Điều 7 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

Mức bồi thường thiệt hại do hai bên thoả thuận trên cơ sở giá trị thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 3 Mục này nhưng tối đa không vượt quá ba (03) tháng tiền lương, tiền công liền kề trước ngày đình công diễn ra theo hợp đồng lao động của những người lao động tham gia cuộc đình công. Tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động là tiền lương, tiền công làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

5. Thương lượng bồi thường thiệt hại tại doanh nghiệp

Thương lượng bồi thường thiệt hại tại doanh nghiệp theo Điều 8 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động.

Nếu đồng ý với yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động thì có văn bản cam kết bồi thường thiệt hại theo Mẫu số 2 kèm theo Thông tư này. Văn bản cam kết bồi thường thiệt hại là cơ sở pháp lý xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của đại diện tổ chức công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động. 

Nếu không đồng ý thì có văn bản yêu cầu thương lượng theo Mẫu số 3 kèm theo Thông tư này nêu rõ thời gian, địa điểm thương lượng và gửi cho người sử dụng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động cấp tỉnh.

b) Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thương lượng, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng. Trường hợp chưa thể tổ chức phiên họp thương lượng đúng thời hạn thì người sử dụng lao động phải có văn bản nêu rõ lý do và ấn định cụ thể thời gian sẽ tiến hành tổ chức phiên họp thương lượng tiếp theo.

c) Phiên họp thương lượng do người sử dụng lao động và đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động đồng chủ trì, có thư ký ghi biên bản phiên họp.

Nội dung thương lượng tại phiên họp gồm: mức bồi thường thiệt hại, phương thức bồi thường thiệt hại và thời hạn thực hiện bồi thường thiệt hại.

Biên bản phiên họp phải ghi đầy đủ: thành phần tham dự, nội dung thương lượng, kết quả thương lượng, chữ ký của người sử dụng lao động, chữ ký của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động, và chữ ký của thư ký phiên họp. Biên bản phiên họp thương lượng được lập theo Mẫu số 4 kèm theo Thông tư này, là cơ sở pháp lý xác định quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại (nếu thương lượng đạt kết quả) hoặc là căn cứ để hai bên thực hiện quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân (nếu thương lượng không đạt kết quả).

Trong phiên họp thương lượng, hai bên có quyền mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp và đại diện người sử dụng lao động ở địa phương tham gia phiên họp.

d) Tại phiên họp thương lượng, nếu hai bên không nhất trí về giá trị thiệt hại thì tạm hoãn phiên họp để một trong các bên yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại. 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên họp thương lượng, bên yêu cầu xác định lại giá trị thiệt hại phải có văn bản đề nghị tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại. Hết thời hạn trên, nếu không có văn bản yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại thì hai bên phải tiến hành lại phiên họp thương lượng.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức trung gian công bố kết quả xác định giá trị thiệt hại, hai bên phải chấp thuận kết quả đó và tổ chức lại phiên họp thương lượng để thoả thuận các nội dung còn lại.

đ) Hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động mà Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động không có văn bản trả lời thì được coi là phía đại diện người lao động từ chối thương lượng.

6. Khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại

a) Người sử dụng lao động có quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp huyện nơi xảy ra cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại theo Điều 9 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP trong các trường hợp:

– Phía đại diện người lao động từ chối thương lượng theo quy định tại điểm đ khoản 5 Mục này;

– Việc thương lượng không đạt kết quả trên cơ sở biên bản thương lượng;

– Bên có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không thực hiện bồi thường theo đúng Cam kết bồi thường thiệt hại (theo quy định điểm a khoản 5 Mục này) hoặc Biên bản thương lượng.

b) Trình tự, thủ tục khởi kiện ra Toà án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

7. Thực hiện bồi thường

Việc thực hiện bồi thường thiệt hại theo Điều 10 Nghị định số 11/2008/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau: 

a) Tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp, phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động thì thực hiện bồi thường thiệt hại từ nguồn kinh phí của tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm từ các nguồn sau:

– Kinh phí được để lại công đoàn cơ sở từ thu đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hàng tháng và kinh phí công đoàn do người sử dụng lao động trích nộp theo quy định hiện hành.

– Các khoản thu khác: thu từ các hoạt động văn hoá thể thao, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ do công đoàn tổ chức, các khoản tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài.

b) Trường hợp đại diện tập thể lao động lãnh đạo đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp thì đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công thực hiện bồi thường thiệt hại theo mức bồi thường thuộc trách nhiệm cá nhân theo phần.

Mức bồi thường thuộc trách nhiệm cá nhân theo phần được xác định bằng tổng mức bồi thường thiệt hại chia cho tổng số người tham gia đình công (kể cả người lãnh đạo đình công).

Việc bồi thường của mỗi cá nhân được khấu trừ dần vào tiền lương, tiền công hàng tháng của người đó. Mức khấu trừ mỗi tháng không quá 30% mức lương, tiền công ghi theo hợp đồng lao động làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, phần bồi thường còn lại được tính là khoản nợ của người lao động đối với người sử dụng lao động. Việc thanh toán khoản nợ này do hai bên thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

c) Việc thực hiện bồi thường bằng hiện vật hoặc bằng việc thực hiện một công việc do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy đổi hiện vật và công lao động thực hiện một công việc ra tiền.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư  này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.           

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

Phạm Sỹ Danh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC

Huỳnh Thị Nhân

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch Nước;
– Toà án Nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị -Xã hội;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở LĐTBXH, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Công báo; Website của Chính phủ;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
– Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ TC;
– Lưu VT: Bộ LĐTBXH, Bộ TC.

Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

TÊN DOANH NGHIỆP
—–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–

Số:

………., ngày……tháng….. năm ……

 

YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Kính gửi: …………………

(BCH công đoàn cơ sở /Đại diện tập thể lao động đã lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp)

– Căn cứ Quyết định số …..  ngày … tháng … năm của Toà án nhân dân …… về tính bất hợp pháp của cuộc đình công diễn ra vào ngày … tháng….năm….

– Căn cứ Nghị định số 11/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, Thông tư liên tịch số 07/2008/TT-BLĐTBXH-BTC ngày 30/5/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/2008/NĐ-CP;

– Căn cứ thiệt hại của cuộc đình công diễn ra vào ngày … tháng….năm….

Doanh nghiệp (tên doanh nghiệp) yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với Tổ chức công đoàn cơ  sở đã lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp/Đại diện tập thể lao động đã lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp và người lao động tham gia cuộc đình công bất hợp pháp theo những nội dung sau:

1. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

1.1. Giá trị thiệt hại:

TT

Thiệt hại

Số lượng

Số ngày

Đơn giá

(đồng Việt Nam)

Giá trị thiệt hại

Ghi chú

(Ghi tên tài liệu chứng minh thiệt hại nếu có)

1            
2            
3            
4            
5            
           Tổng cộng    

1.2. Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại (ghi chi tiết mức yêu cầu bồi thường thiệt hại).

1.3. Phương thức yêu cầu bồi thường thiệt hại (ghi cụ thể hình thức nào: bằng tiền/bằng hiện vật/bằng việc thực hiện công việc).

1.4. Thời hạn thực hiện việc bồi thường thiệt hại (ghi rõ khoảng thời gian thực hiện việc bồi thường thiệt hại).

2. Yêu cầu Tổ chức công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động và người lao động tham gia cuộc đình công bất hợp pháp thực hiện bồi thường thiệt hại theo đúng các nội dung 1.2, 1.3, 1.4 nói trên.

3. Trong thời hạn 10 ngày, nếu BCH công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động đã lãnh đạo cuộc đình công bất hợp pháp không có văn bản trả lời Yêu cầu thương lượng này thì doanh nghiệp (tên doanh nghiệp) sẽ tiến hành khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền để đòi bồi thường thiệt hại.

 

 

Nơi nhận:
– Như kính gửi;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh (để biết);
– Lưu.     

GIÁM ĐỐC/ TỔNG GIÁM ĐỐC

(Ký tên, đóng dấu)

 

 

Mẫu số 2: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính..

BCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ/ĐẠI DIỆN TẬP THỂ LAO ĐỘNG DOANH NGHIỆP ….(tên doanh nghiệp)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–

 

………., ngày……tháng….. năm ……

 

CAM KẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Kính gửi: ………………………… .(tên doanh nghiệp)

Sau khi xem xét công văn số …. ngày … tháng…. năm …. về việc Yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp (tên doanh nghiệp). 

Ban chấp hành công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động cam kết bồi thường thiệt hại theo đúng những yêu cầu của doanh nghiệp (tên doanh nghiệp). Cụ thể như sau:

– Về mức bồi thường thiệt hại (ghi rõ mức bồi thường):

– Về thời hạn thực hiện bồi thường thiệt hại (ghi rõ khoảng thời gian thực hiện bồi thường):

– Về hình thức thực hiện bồi thường thiệt hại (ghi rõ hình thức bồi thường):

 

 

Nơi nhận:
– Như kính gửi;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh (để biết);
– Lưu.     

TM. BCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ/

TM.ĐẠI DIỆN TẬP THỂ LAO ĐỘNG

Ký tên, đóng dấu (nếu có)

 

Mẫu số 3: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính..

BCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ/ĐẠI DIỆN TẬP THỂ LAO ĐỘNG DOANH NGHIỆP ….(tên doanh nghiệp)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——-

 

………., ngày……tháng….. năm ……

 

YÊU CẦU THƯƠNG LƯỢNG

Kính gửi: ………………………… .(tên doanh nghiệp)

Sau khi xem xét công văn số …. ngày … tháng…. năm …. về việc Yêu cầu bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp (tên doanh nghiệp), Tổ chức công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động yêu cầu doanh nghiệp (tên doanh nghiệp) tiến hành phiên họp thương lượng để thoả thuận về việc bồi thường thiệt hại.

Đề nghị doanh nghiệp (tên doanh nghiệp) bố trí địa điểm, thời gian và mời đại diện tham gia phiên họp thương lượng.

Chúng tôi cam kết tham dự phiên họp thương lượng đúng thành phần, thời gian và địa điểm.

 

 

Nơi nhận:
– Như kính gửi;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh (để biết);
– Lưu.     

TM. BCH công đoàn cơ sở/

TM.đại diện tập thể lao động

Ký tên, đóng dấu (nếu có)

 

Mẫu số 4: Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–

BIÊN BẢN THƯƠNG LƯỢNG

Hôm nay, tại ….. (địa điểm). Vào hồi … giờ,  ngày …. tháng….năm…. Chúng tôi gồm:

– Đại diện doanh nghiệp (tên doanh nghiệp): ghi rõ họ và tên, chức vụ của người tham dự.

– Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động: ghi rõ họ và tên, chức vụ của người tham dự.

– Đại diện các thành phần tham dự khác (nếu có): ghi rõ họ và tên, chức vụ của người tham dự.

Đã tiến hành phiên họp thương lượng về bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra cho doanh nghiệp:

1. Nội dung phiên họp thương lượng (ghi rõ nội dung và các ý kiến phát biểu).

2. Kết quả phiên họp thương lượng. Sau khi thoả thuận, hai bên đã thống nhất (hoặc không thống nhất) về những nội dung bồi thường thiệt hại của cuộc đình công bất hợp pháp. Cụ thể: (ghi rõ nội dung thoả thuận được/ hoặc không thoả thuận được).

Biên bản được hoàn thành vào hồi …. giờ, ngày….tháng….năm….

Biên bản này được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.

 

Đại diện doanh nghiệp

(Ký tên, đóng dấu)

Đại diện của cơ quan có thẩm quyền nếu có

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, cơ quan làm việc.)

Đại diện BCH công đoàn cơ sở/Đại diện tập thể lao động

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

 

 

Thư ký phiên họp

(Ký và ghi rõ họ tên)

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 11/2008/NĐ-CP VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP CUỘC ĐÌNH CÔNG BẤT HỢP PHÁP GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG DO BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC Ngày hiệu lực 26/06/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 11/06/2008
Lĩnh vực Lao động - tiền lương
Tố tụng
Ngày ban hành 30/05/2008
Cơ quan ban hành Bộ lao động-thương binh và xã hội
Bộ tài chính
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản