Bị phạt nếu không cho lao động nữ mang thai nghỉ 60 phút/ngày
Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) vi phạm quy định về lao động nữ sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với NSDLĐ khi không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với NSDLĐ khi sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Lao động;
Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày; Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 Bộ luật Lao động trừ trường hợp việc làm cũ không còn; Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với NSDLĐ vi phạm sử dụng lao động nữ sẽ buộc phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động và buộc phải nhận lại người lao động trở lại làm việc.
Phạt nặng nếu cho trẻ vị thành niên làm công việc độc hại
Trong khi đó, nếu xác định NSDLĐ vi phạm quy định về lao động chưa thành niên sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với NSDLĐ nếu sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc không được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi; Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động; Sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với NSDLĐ nếu xác định đã sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 1 Điều 164 của Bộ luật Lao động…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 và Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Theo Baophapluat.vn