ĐĂNG KÝ TÀU BAY MANG QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Posted on

Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định 68/2015/NĐ-CPNghị định 07/2019/NĐ-CPThông tư 193/2016/TT-BTC như sau:

1. Một số khái niệm

– Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất (khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

– Đăng ký quốc tịch tàu bay bao gồm đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 3 Nghị định 68/2015/NĐ-CP).

2. Yêu cầu và điều kiện đăng ký quốc tịch tàu bay

 Theo khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định 68/2015/NĐ-CPđiểm a Khoản 1 Nghị định 07/2019/NĐ-CP

– Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác (trường hợp tàu bay do cá nhân khai thác thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam); tàu bay được thuê mua hoặc thuê theo hình thức thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên để khai thác tại Việt Nam phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Nghị định này.

– Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày nhập khẩu vào Việt Nam, tàu bay phải được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam.

– Tàu bay được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài;

+ Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về quyền sở hữu tàu bay; quyền chiếm hữu tàu bay đối với trường hợp thuê – mua hoặc thuê tàu bay;

+ Đối với tàu bay đã qua sử dụng, khi đăng ký quốc tịch lần đầu phải đáp ứng yêu cầu về tuổi như quy định áp dụng cho tàu bay đã qua sử dụng tại thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

+ Đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về đảm bảo quốc phòng, an ninh; an toàn hàng không, an ninh hàng không và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Người có quyền đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay, bao gồm (khoản 4 Điều 4 Nghị định 68/2015/NĐ-CP)

+ Chủ sở hữu tàu bay;

+ Người thuê – mua tàu bay, người thuê tàu bay (sau đây gọi chung là người thuê tàu bay).

– Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp là cá nhân thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam (khoản 5 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

– Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam được mở công khai và ghi các thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay ViệtNam và phải nộp lệ phí (hoản 6 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).

– Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam từ thời điểm ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay (khoản 7 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006)

3. Dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký

Theo Điều 11 Nghị định 68/2015/NĐ-CP:

 Dấu hiệu quốc tịch Việt Nam của tàu bay bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.

– Dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam được biểu thị bằng hai (02) chữ cái viết liền “VN” và tiếp theo là dấu gạch nối “-”, một trong các chữ cái sau đây và ba (03) chữ số Ả rập:

Chữ “A” đối với tàu bay có động cơ phản lực (Turbofan/Turbojet);

Chữ “B” đối với tàu bay có động cơ phản lực cánh quạt (Turboprop);

Chữ “C” đối với tàu bay có động cơ piston;

Chữ “D” đối với các phương tiện bay khác.

4. Một số lưu ý

Theo các khoản 4, 5 Điều 5 Nghị định 68/2015/NĐ-CP:

– Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

– Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

5. Phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) đến 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) đối với hành vi đưa tàu bay vào khai thác mà không có Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch, trừ trường hợp thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay theo quy định của Bộ Quốc phòng (khoản 3 Điều 5 Nghị định 162/2018/NĐ-CP).

Kết luận: Người thực hiện đăng ký quốc tịch tàu bay mang quốc tịch Việt Nam cần tuân thủ quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006Nghị định 68/2015/NĐ-CPNghị định 07/2019/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam