CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Posted on

Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP và Nghị định 51/2019/NĐ-CP.

1.Khái niệm

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. (khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ thuộc dự án đầu tư, góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; mua, bán máy móc, thiết bị đi kèm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ, phương án  quy trình công nghệ giải pháp thông số bản vẽ sơ đồ kỹ thuật, công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu hay giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ khi thuộc một trong những trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017):

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.

– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

– Trừ trường hợp công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao nghệ không cần đăng ký chuyển giao công nghệ.

2. Cấp Giấy chứng nhận đăng kí chuyển giao công nghệ:

2.1 Thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ (khoản 1 Điều 5 Nghị định 76/2018/NĐ-CP)

– Đối với chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp quy định phải đăng ký chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ và quy định của Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản này do các bên thỏa thuận. Trường hợp tính đến thời điểm đăng ký chuyển giao công nghệ, nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

– Bên nhận công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ trong nước hoặc bên giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài thay mặt các bên gửi hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 6 của Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

Lưu ý: Mức thu phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ để đăng ký (khoản 1 Điều 4 Thông tư 169/2016/TT-BTC): Đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký lần đầu thì phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được tính theo tỷ lệ bằng 0,1% (một phần nghìn) tổng giá trị của hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng tối đa không quá 10 (mười) triệu đồng và tối thiểu không dưới 05 (năm) triệu đồng.

2.2 Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (Điều 6 Nghị định 76/2018/NĐ-CP)
2.2.1 Bộ Khoa học và Công nghệ:

– Chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương.

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.

2.2.2 Sở Khoa học và Công nghệ:

– Chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh;

– Chuyển giao công nghệ thuộc dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Tự nguyện đăng ký chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư;

– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước;

– Tự nguyện đăng ký chuyển giao công nghệ trong nước

2.2.3 Bộ Quốc phòng

– Chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

– Chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng.

3. Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ

Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ có hiệu lực kể từ ngày cấp (khoản 1 Điều 32 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

Cơ quan cấp có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 32 Luật Chuyển giao công nghệ 2017):

– Vi phạm nội dung trong Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ hoặc đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Các bên có thỏa thuận gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thì phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ (khoản 1 Điều 33 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017).

4. Xử phạt vi phạm hành chính
4.1 Vi phạm trong đăng ký chuyển giao công nghệ (Điều 25 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 51/2019/NĐ-CP.

4.2 Vi phạm trong việc lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư (khoản 2 Điều 22 Nghị định 51/2019/NĐ-CP): Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Gian lận, lừa dối trong việc lập hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc nội dung chuyển giao công nghệ trong điều, khoản, phụ lục của hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư mà đã có quyết định đình chỉ hoặc quyết định hủy bỏ hợp đồng hoặc quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;

– Thực hiện không đúng nội dung theo Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Kết luận: Cá nhân, doanh nghiệp được cấp chứng nhận đăng kí chuyển giao công nghệ theo những trình tự thủ tục theo quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ