4. Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Posted on

Việc hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý sau: Luật doanh nghiệp 2020Nghị định 172/2013/NĐ-CP, , Nghị định 75/2019/NĐ-CPThông tư 129/2015/TT-BKHĐT.

1. Khái niệm

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. (Điều 10  Luật doanh nghiệp 2020)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (khoản 1 Điều 74  Luật doanh nghiệp 2020)

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. (khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. (khoản 2 Điều 74  Luật doanh nghiệp 2020)

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần. (khoản 3 Điều 74  Luật doanh nghiệp 2020)

Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. (khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020)

Hợp nhất doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. (khoản 1 Điều 200  Luật doanh nghiệp 2020)

Sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. (khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2020)

Lưu ý:

– Công ty bị hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty (khoản 3 Điều 200 Luật doanh nghiệp 2020)).

– Luật Cạnh tranh 2018 quy định hợp nhất doanh nghiệp là một hình thức tập trung kinh tế (khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018). Hành vi tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh là: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. (Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018).

– Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.( khoản 4 Điều 200 Luật doanh nghiệp 2020).

2. Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

2.1. Quy định chung

Hợp nhất công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Hai hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất với nhau thành một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới (gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. (điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP)

Sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác (gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. (điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP)

2.2. Điều kiện hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức lại

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức lại khi đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 17 Nghị định 172/2013/NĐ-CP:

– Việc hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

– Việc hợp nhất, sáp nhập không làm giảm vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2.3. Đề án tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Đề án hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 172/2013/NĐ-CP như sau:

– Tên, địa chỉ các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trước và sau khi hợp nhất, sáp nhập;

– Sự cần thiết hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn và trên toàn quốc;

– Mức vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi hợp nhất, sáp nhập;

– Phương án sắp xếp, sử dụng lao động;

– Phương án xử lý tài chính, chuyển đổi, bàn giao vốn, tài sản và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập;

– Thời hạn thực hiện hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

2.4. Cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền ra quyết định tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì thẩm định Hồ sơ đề nghị tổ chức lại. Trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các Bộ quản lý ngành khác nhau được giao quản lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Bộ quản lý ngành có trách nhiệm chủ trì lập Hồ sơ đề nghị tổ chức lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (khoản 4 Điều 18 Nghị định 172/2013/NĐ-CP)

2.5. Quyết định tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

– Quyết định tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải quy định rõ việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức lại. (khoản 1 Điều 20 Nghị định 172/2013/NĐ-CP)

– Quyết định tổ chức lại, hợp đồng sáp nhập, hợp nhất công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua; quyết định tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp. (khoản 2 Điều 20 Nghị định 172/2013/NĐ-CP)

2.6. Xử lý tài chính khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Sau khi có quyết định sáp nhập, hợp nhất trong thời hạn 30 ngày công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất có trách nhiệm khoá sổ kế toán; tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản công ty đang quản lý, sử dụng và thực hiện lập báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm sáp nhập, hợp nhất (Điều 6 Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT):

Kiểm kê xác định số lượng, chất lượng và giá trị tài sản thực tế công ty đang quản lý và sử dụng; phân loại tài sản đã kiểm kê theo các nhóm (tài sản cần dùng, tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý).

+ Đối với tài sản thiếu, hao hụt, mất mát, hư hỏng, kém phẩm chất, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng phải xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất (tập thể, cá nhân) phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tài sản đã mua bảo hiểm, nếu tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản thiếu hụt và số tiền bồi thường được hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.

+ Đối với giá trị tài sản thừa nếu không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu thì hạch toán vào thu nhập của công ty bị sáp nhập, bị hợp chất.

Lập danh sách các chủ nợ, khách nợ, đối chiếu, xác nhận và phân loại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, lập bản kê chi tiết đối với từng loại công nợ:

+ Nợ phải thu: xác định nợ phải thu có khả năng thu hồi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi.

Đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi phải xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất quyết định mức bồi thường. Chênh lệch giữa giá trị nợ phải thu không có khả năng thu hồi với tiền bồi thường được bù đắp bằng dự phòng nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.

+ Nợ phải trả: xác định các khoản nợ phải trả trong hạn, nợ phải trả đã quá hạn trả, các khoản nợ phải trả nhưng không phải trả.

Đối với nợ phải trả nhưng không phải trả thì hạch toán vào thu nhập của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất.

Thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế tại thời điểm sáp nhập, hợp nhất theo quy định.

2.7. Bàn giao giữa công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập, giữa công ty bị hợp nhất và công ty hợp nhất

– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất phải bàn giao đầy đủ, nguyên trạng tài sản, vốn, công nợ, quyền sử dụng đất, các hợp đồng kinh tế, các quyền và nghĩa vụ khác cho công ty nhận sáp nhập, hợp nhất kèm theo hồ sơ, chứng từ có liên quan. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc và các cá nhân liên quan của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hao hụt, mất mát tài sản, tiền vốn trong thời gian chưa bàn giao. (khoản 1 Điều 6 Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT)

– Công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất có trách nhiệm tiếp nhận và kế thừa toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng kém mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu (kể cả nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã xử lý xóa sổ được theo dõi trên hệ thống quản trị của doanh nghiệp), các khoản nợ phải trả, các khoản lỗ lũy kế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty bị sáp nhập, bị hợp nhất. (khoản 2 Điều 6 Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT)

– Mọi vấn đề tồn tại chưa xử lý trước khi bàn giao phải ghi rõ tại biên bản bàn giao. Giám đốc, kế toán trưởng và người có liên quan của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới đối với những tài sản kém phẩm chất, tài sản không cần dùng, nợ phải thu khó đòi đã bàn giao. (khoản 3 Điều 6 Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT)

Sau khi nhận bàn giao: công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính của công ty bị sáp nhập, công ty bị hợp nhất theo các quy định hiện hành. (khoản 4 Điều 6Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT)

– Các công ty nhận sáp nhập, công ty hợp nhất điều chỉnh tăng vốn nhà nước tại công ty tương ứng với số vốn của các doanh nghiệp trong báo cáo tài chính của công ty bị sáp nhập, công ty hợp nhất. (khoản 5 Điều 6 Thông tư 129/2015/TT-BKHĐT)

3. Xử lý vi phạm

3.1. Hành vi sáp nhập doanh nghiệp bị cấm (Điều 23 Nghị định 71/2014/NĐ-CP)

Phạt tiền doanh nghiệp nhận sáp nhập đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi sáp nhập bị cấm theo quy định tại Điều 18 của Luật Cạnh tranh.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp nhận sáp nhập có thể bị buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập.

3.2. Hành vi hợp nhất doanh nghiệp bị cấm (Điều 24 Nghị định 71/2014/NĐ-CP)

Phạt tiền doanh nghiệp được hình thành sau hợp nhất đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tham gia hợp nhất đối với hành vi hợp nhất bị cấm theo quy định tại Điều 18 của Luật Cạnh tranh.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp hợp nhất có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho doanh nghiệp hợp nhất;

Buộc chia, tách doanh nghiệp hợp nhất.

Kết luận: Việc hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như sau: Luật doanh nghiệp 2020Nghị định 172/2013/NĐ-CP, , Nghị định 75/2019/NĐ-CPThông tư 129/2015/TT-BKHĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.