8. Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý

Posted on

Việc chia, tách công ty TNHH một thành viên do Bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý cần phải thực hiện thông qua thủ tục chia, tách công ty TNHH một thành viên do Bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020Nghị định 172/2013/NĐ-CP, , Nghị định 75/2019/NĐ-CPThông tư 129/2015/TT-BKHĐT.

1. Một số khái niệm cơ bản

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. (khoản 10 Điều Luật doanh nghiệp 2020)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020)

Vốn điều lệ là  tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. (khoản 2 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020)

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. (khoản 15 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần. (khoản 3 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020)

Chia công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị chia) có thể chia thành hai hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới (gọi là công ty được chia) bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty bị chia sang công ty được chia, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia (điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).

Tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị tách) có thể tách để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới (gọi là công ty được tách) bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách (điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).

2. Công ty TNHH một thành viên

2.1. Khái quát chung

Theo khoản 2, 3 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

-Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.

2.2.Thành lập công ty TNHH một thành viên

Thực hiện góp vốn thành lập công ty (Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020) :

– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

– Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

– Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.

Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ được xem xét khi đáp ứng đủ các điều kiện sau (Điều 4 Nghị định 172/2013/NĐ-CP):

– Thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được xem xét thành lập ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau:

+ Ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ;

+ Truyền tải hệ thống điện quốc gia; nhà máy thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng, an ninh;

+ Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; các cảng hàng không; cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế;

+ Quản lý điều hành bay; điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;

+ Bảo đảm hàng hải;

+ Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;

+ Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm);

+ In, đúc tiền;

+ Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển;

+ Hậu cần biển đảo;

+ Quản lý, duy tu công trình đê điều, phân lũ và phòng chống thiên tai;

+ Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

+ Những ngành, lĩnh vực, địa bàn phục vụ cho việc ổn định và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ hoặc các ngành, lĩnh vực, địa bàn khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 6 Nghị định 172/2013/NĐ-CP:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

+ Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện phải có vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng, vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn đặc thù hoặc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì vốn điều lệ có thể thấp hơn mức quy định (có thể thấp hơn 100 tỷ đồng) nếu có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

– Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

Lưu ý:

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 172/2013/NĐ-CP thì Người đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (trong trường hợp thành lập công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) là người đề nghị thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Thẩm quyền quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Điều 9 Nghị định 172/2013/NĐ-CP được ghi nhận như sau:

– Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định thành lập công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

– Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngoài hai đối tượng nêu trên.

2.3 Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 172/2013/NĐ-CP việc chia, tách công ty TNHH một thành viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

– Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới hình thành sau khi chia, tách công ty trách nhiệm hữu một thành viên phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như sau:

+ Thuộc ngành, lĩnh vực địa bàn được xem xét thành lập (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên);

+ Đảm bảo đủ vốn điều lệ (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên);

+ Phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.

– Việc tổ chức lại không làm giảm vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Kết luận: Khi có nhu cầu chia tách công ty, công ty TNHH một thành viên lập hồ sơ đề nghị chia, tách gửi Bộ quản lý ngành thẩm định theo trình tự thủ tục theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020Nghị định 172/2013/NĐ-CP, , Nghị định 75/2019/NĐ-CPThông tư 129/2015/TT-BKHĐT

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Bộ trưởng quyết định thành lp hoặc được giao quản lý