4. Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp

Dựa vào những quy định của Bộ Luật dân sự 2015Luật Doanh nghiệp 2020, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp.

1. Khái niệm.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

2. Những vấn đề pháp lý về người đại diện theo pháp luật.

2.1 Số lượng, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 có một số quy định sau:

Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật.

– Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lưu ý: Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

2.2 Trường hợp người đại diện theo pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

(khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020)

2.3 Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định một số trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật như sau:

 – Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

-Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp.

Lưu ý: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020. (khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020)

2.4 Một số quy định khác.

– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty. (khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Trừ trường hợp trên thì đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty. (khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020)

Lưu ý: khoản 7 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện  theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

3. Những vấn đề pháp lý liên quan đến người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp.

3.1 Việc cử người đại diện theo ủy quyền.

– Được quy định trong Điều lệ công ty

– Nếu Điều lệ công ty không có quy định thì thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020:

+ Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;

+ Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.

Lưu ý: khoản 3 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.

3.2 Tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp.

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020;

– Thành viên, cổ đông là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 không được cử người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện tại công ty khác;

– Tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

(khoản 5 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020)

3.3 Trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức.

– Người đại diện theo ủy quyền nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.

Lưu ý: Mọi hạn chế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty tương ứng tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba.

– Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện.

– Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện do vi phạm trách nhiệm. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.

(Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020)

4. Những quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015.

Điều 137 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

– Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật dân sự 2015

Những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì phải tuân theo quy định tại Điều 137 Bộ Luật dân sự 2015.

Kết luận: Những vấn đề liên quan đến Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp phải tuân theo những quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015Luật Doanh nghiệp 2020.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp

Thủ tục Nội dung