1. Đăng ký hợp tác xã

Posted on

Cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện tham gia và trở thành hợp tác xã. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP(được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 107/2017/NĐ-CP), Nghị định 122/2021/NĐ-CP; Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 07/2019/BKHĐT như sau:

1. Khái niệm cơ bản

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

2. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

Theo Điều 7 Luật Hợp tác xã 2012 quy định thì:

– Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.

– Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

– Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

3. Điều kiện đăng ký khi hợp tác xã

a) Ngành nghề kinh doanh

Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh là ngành, nghề mà pháp luật không cấm; trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu phải có điều kiện.

Căn cứ tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT, theo đó:

– Hợp tác xã lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã thì nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

– Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký liên hiệp hợp tác xã xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Lưu ý:

– Trường hợp hợp tác xã có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì hợp tác xã lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã là ngành, nghề kinh doanh chi tiết hợp tác xã đã ghi.

– Hợp tác xã được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hợp tác xã thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

b) Tên của hợp tác xã

Tên của liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 Luật Hợp tác xã 2012, Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, khoản 14 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT như sau:

– Không trái với quy định của pháp luật;

– Được viết bằng tiếng Việt hoặc ký tự La – tinh trừ ký tự đặc biệt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “hợp tác xã” sau đó là tên riêng của hợp tác xã.

– Hợp tác xã có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay ký hiệu phụ trợ khác để cấu thành tên hợp tác xã.

– Tên hợp tác xã phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã. Tên hợp tác xã phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do hợp tác xã phát hành.

– Cơ quan đăng ký hợp tác xã có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của liên hiệp hợp tác xã nếu tên đó không phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

Lưu ý: 

Những điều cấm trong đặt tên liên hiệp hợp tác xã (Điều 8, Nghị định 193/2013/NĐ-CP) bao gồm:

+ Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên đầy đủ hoặc tên viết tắt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác đã đăng ký trong phạm vi cả nước.

+ Đặt tên đầy đủ, tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.

+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

+ Sử dụng tên danh nhân, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tên trùng, tên gây nhầm lẫn (Điều 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT), trong đó cần lưu ý những điểm sau:

+ Các hợp tác xã hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cấp trước ngày 28/05/2019 thì được tiếp tục sử dụng tên hợp tác xã đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Cơ quan đăng ký hợp tác xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên hợp tác xã hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên hợp tác xã.

+ Cơ quan đăng ký hợp tác xã có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký hợp tác xã là quyết định cuối cùng.

c) Trụ sở chính

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012, trụ sở chính của hợp tác xã được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên lãnh thổ Việt Nam; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Việc xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký hợp tác xã được quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. (khoản 2 Điều 64 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động mang danh nghĩa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. (điểm a khoản 2 Điều 65 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Kết luận: Đăng ký hợp tác xã là một thủ tục quan trọng. Hợp tác xã phải đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu tại khoản 2 Điều 23, Điều 24 Luật Hợp tác xã 2012, Điều 14 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Điều 6 và Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký hợp tác xã