Quốc hội đã quyết định cho TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường từ tháng 7-2021.
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với 420/428 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1-7-2021.
Nghị quyết quy định chính quyền đô thị tại TP.HCM gồm: Chính quyền địa phương ở TP.HCM có HĐND và UBND. Ở quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, TP, xã, thị trấn của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND).
Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm Chủ tịch, không quá ba Phó Chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận. Còn UBND phường gồm Chủ tịch, không quá hai Phó Chủ tịch và các công chức khác của UBND phường.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM; UBND và Chủ tịch UBND quận, phường.
Đáng chú ý là khi không còn HĐND quận thì HĐND TP sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận với thời hạn, thời điểm, trình tự được thực hiện theo quy định của Quốc hội
“Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND TP đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định theo thẩm quyền” – Nghị quyết nêu rõ.
HĐND và UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021. Kể từ ngày 1-7-2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này.
Cũng từ 1-7-2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước thời điểm này được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó theo quy định của Chính phủ.
Nghị quyết có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP.HCM. Đây cũng là nội dung mà khi thảo luận tại Hội trường, có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn là không hợp lý vì trên thực tế chưa có đơn vị hành chính này; quy định như vậy sẽ không thống nhất với quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “TP thuộc TP trực thuộc trung ương” (khoản 2 Điều 2).
Mặc dù khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa có TP thuộc TP trực thuộc trung ương nào được thành lập, nhưng để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP thuộc TP trực thuộc trung ương (Mục 3 Chương III).
“Hiện nay, Đề án đề nghị thành lập TP Thủ Đức thuộc TP đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức sau khi được thành lập thì việc dự thảo Nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP thuộc TP là cần thiết và phù hợp” – báo cáo nhấn mạnh.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định quy định như vậy không mâu thuẫn với khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết vì tại TP thuộc TP vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND như Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, do ở các phường thuộc TP này không tổ chức HĐND nên trong Nghị quyết của Quốc hội phải bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND TP thuộc TP tương tự như đối với HĐND, UBND TP.HCM.
Theo plo.vn