10. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp
Dựa vào quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp”.
1. Khái niệm
Theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp). Thời điểm xác định thu nhập chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.
Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định. Doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sát nhập mà thực hiện có hoán đổi cố phiếu nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Căn cứ tính thuế
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng thu nhập tính thuế và thuế suất.
2.1 Thu nhập tính thuế
Theo điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập tính thế được tính như sau:
Trong đó:
– Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.
+ Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.
+ Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá không phù hợp với giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.
+ Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.
– Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp sau:
+ Chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
+ Phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán. Trường hợp phần vốn doanh nghiệp góp hoặc mua lại có nguồn gốc một phần do vay thì giá mua của phần vốn chuyển nhượng bao gồm cả các khoản chi phí trả lãi tiền vay để đầu tư vốn.
– Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp. Chi phí chuyển nhượng bao gồm:
+Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.
+ Các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng.
+ Các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
2.2 Thuế suất
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn là 20%.
3. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
3.1 Căn cứ tính thuế
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC , thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng thu nhập tính thuế và thuế suất.
3.2 Thu nhập tính thuế
Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập tính thuế được tính như sau:
Trong đó:
– Giá bán chứng khoán được xác định như sau:
+ Chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá bán chứng khoán là giá thực tế bán chứng khoán theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.
+ Chứng khoán của các công ty không thuộc các trường hợp nếu trên thì giá bán chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
– Giá mua chứng khoán được xác định như sau:
+ Chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá mua chứng khoán là giá thực mua chứng khoán theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.
+ Chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.
+ Chứng khoán không thuộc các trường hợp nếu trên: giá mua chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
– Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm:
+ Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.
+ Các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng.
+ Phí lưu ký chứng khoán.
+ Phí ủy thác chứng khoán không căn cứ vào chứng từ thu của đơn vị nhận ủy thác.
+ Các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
3.3 Thuế suất
Theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20%.
Kết luận: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp được cụ thể nội dung qua Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Trình tự thủ tục và biểu mẫu xem tại đây.
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp
Thủ tục | Nội dung |
---|