Cá nhân, tổ chức khi hành nghề có nguồn phóng xạ cần phải khai báo chất phóng xạ theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (được sửa đổi, bổ sung 2018), Thông tư 08/2010/TT-BKHCN, Thông tư 25/2014/TT-BKHCN.
1. Khái niệm
Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ (khoản 8 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).
2. Trách nhiệm khai báo
Theo Điều 4, Điều 8 Thông tư 08/2010/TT/BKHCN:
– Tổ chức, cá nhân trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có chất phóng xạ không thuộc diện được miễn trừ phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 của Thông tư này, cụ thể:
+ Tổ chức, cá nhân có chất phóng xạ (trừ các thiết bị quy định dưới đây) khai báo với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
+ Tổ chức, cá nhân có thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế sử dụng di động trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (sau đây gọi là tỉnh) khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính.
+ Tổ chức, cá nhân có thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế không thuộc loại sử dụng di động trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nơi thiết bị được lắp đặt, sử dụng.
– Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trong thời hạn nêu tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN thì được miễn thực hiện thủ tục khai báo.
– Tổ chức, cá nhân vận hành kho xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, mỗi khi tiếp nhận chất thải phóng xạ hoặc nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền nêu trên.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ
Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ phải có các biện pháp bảo đảm an ninh sau đây (khoản 1 Điều 22 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):
– Kiểm soát việc tiếp cận nguồn phóng xạ;
– Không cho phép cá nhân không có nhiệm vụ tiếp cận nguồn phóng xạ;
– Thực hiện quy định về kiểm soát nguồn phóng xạ ghi trong giấy phép;
– Việc chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở tiến hành công việc bức xạ phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và có biên bản bàn giao;
– Tiến hành kiểm đếm định kỳ ít nhất một năm một lần để bảo đảm nguồn phóng xạ được để đúng nơi quy định trong điều kiện an ninh;
– Bảo vệ bí mật các biện pháp an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lưu ý:
Tổ chức, cá nhân quản lý nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên và quản lý vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên còn phải thực hiện các quy định sau đây (khoản 2 Điều 22 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):
– Có kế hoạch bảo đảm an ninh;
– Phát hiện kịp thời và ngăn chặn việc tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
– Áp dụng ngay biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị chiếm đoạt, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp;
– Ngăn chặn kịp thời việc phá hoại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; có kế hoạch kiểm đếm thường xuyên hàng tháng, hằng tuần hoặc hằng ngày theo hướng dẫn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;
– Có phương án giảm thiểu tác hại khi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân – Bảo vệ bí mật thông tin về hệ thống an ninh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trách nhiệm của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân
Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật hệ thống kiểm soát nguồn phóng xạ trong phạm vi cả nước, bao gồm các thông tin sau đây (khoản 3 điều 22 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):
– Loại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;
– Số nhận dạng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và côngtenơ bảo vệ;
– Tên đồng vị phóng xạ đối với nguồn phóng xạ; thành phần hóa học đối với vật liệu hạt nhân;
– Hoạt độ, ngày xác định hoạt độ đối với nguồn phóng xạ; khối lượng plutoni, urani đối với vật liệu hạt nhân;
– Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp;
– Chứng chỉ xuất xứ;
– Chủ sở hữu;
– Tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, sử dụng;
– Tổ chức, cá nhân lưu giữ, sử dụng trước đó;
– Địa chỉ nơi đang lưu giữ, sử dụng.
5. Lưu ý chung
– Các hành vi: Không khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày có thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, X-quang thú y/Không khai báo bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin đã thay đổi so với hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ về tên cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép, nhân viên phụ trách an toàn, địa chỉ cơ sở, tình trạng thiết bị bức xạ sau 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm có sự thay đổi/Khai báo không đầy đủ thông tin của nguồn phóng xạ theo quy định bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 107/2013/NĐ-CP.
– Hành vi không khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày có chất phóng xạ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Kết luận: Cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục khai báo chất phóng xạ cần lưu ý các quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (được sửa đổi, bổ sung 2018), Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Khai báo chất phóng xạ