QUYẾT ĐỊNH 09/2013/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2013/QĐ-UBND |
Cà Mau, ngày 16 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1106/TTr-SGDĐT ngày 27/5/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 14/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Nguyễn Tiến Hải |
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh Cà Mau)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: Quy định thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh; hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là dạy thêm, học thêm.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 3. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.
3. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai kế hoạch thu chi tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không được trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
4. Tỷ lệ chi tiền học thêm: 75% chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; 10% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm của nhà trường; 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Hướng dẫn thủ tục hồ sơ, điều kiện cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm cho các cơ sở dạy thêm, học thêm; mức thu, chi và sử dụng tiền học thêm; công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm.
3. Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo Quy định này và Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.
Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan
Các sở, ngành có liên quan và cơ quan Báo, Đài địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp để tuyên truyền, quản lý thực hiện tốt việc dạy thêm, học thêm theo chức năng và thẩm quyền; kịp thời phát hiện, phản ánh những sai phạm để đề nghị cấp thẩm quyền xử lý.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố theo Quy định này và Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo chức năng, quyền hạn và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện; kịp thời phát hiện những sai phạm, xử lý sai phạm hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm, việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.
Điều 8. Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên, cán bộ, nhân viên do trường hoặc đơn vị mình quản lý.
2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
3. Ban hành và công khai mức thu tiền học thêm trong nhà trường đúng trình tự, thủ tục quy định.
4. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Tổ chức việc dạy thêm, học thêm theo Quy định tại Điều 20 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phải báo cáo bằng văn bản xin xác nhận của đơn vị cấp phép dạy thêm, học thêm ngay khi thay đổi địa điểm, giáo viên, người tổ chức.
Chương 3.
MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM
Điều 10. Mức thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm trong nhà trường
1. Mức thu tiền học thêm một học sinh/tháng đối với mỗi môn học (tối thiểu 20 tiết/tháng/môn học) để chi trả cho dạy thêm. Mức thu này do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của địa phương, được công khai trong Hội nghị viên chức và Hội nghị Ban đại diện phụ huynh học sinh, với mức tối đa:
Đơn vị tính: mức lương cơ bản/học sinh/tháng
STT |
Loại hình |
Mức thu tối đa/học sinh/tháng |
|
Đối với cơ sở giáo dục ở phường, thị trấn |
Đối với cơ sở giáo dục ở những nơi còn lại |
||
1 |
Cấp trung học cơ sở |
0,06 |
0,05 |
2 |
Cấp trung học phổ thông |
0,07 |
0,06 |
3 |
Các trường hợp khác (*) |
0,13 |
0,11 |
(*) Các trường hợp khác bao gồm: các lớp ôn thi tốt nghiệp lớp 12, thi tuyển vào lớp 10, luyện thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.
Điều 11. Mức thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm ngoài nhà trường
1. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với cơ sở giáo dục hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm nhưng không cao hơn mức quy định sau đây:
Đơn vị tính: đồng/học sinh/tiết
STT |
Số học sinh/lớp |
Mức thu tối đa/học sinh/tiết |
|
THCS |
THPT |
||
1 |
Từ 21 đến 30 học sinh |
2.000 |
3.000 |
2 |
Từ 11 đến 20 học sinh |
3.000 |
4.000 |
3 |
Từ 6 đến 10 học sinh |
5.000 |
7.000 |
4 |
Từ 1 đến 5 học sinh |
6.000 |
10.000 |
2. Đối với việc dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 12 ôn các môn thi tốt nghiệp, ôn luyện các môn để thi vào lớp 10 và ôn các môn thi vào trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học: mức thu không quá 150% mức thu đối với học thêm trong nhà trường được quy định tại Mục “các trường hợp khác” thuộc Khoản 1, Điều 10 Quy định này.
3. Các lớp học thêm cấp THCS, THPT không quá 30 học sinh/lớp; các lớp ôn thi tốt nghiệp lớp 12, thi tuyển vào lớp 10, luyện thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học không quá 35 học sinh/lớp.
4. Cơ sở giáo dục, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm; đồng thời phải dán thông báo công khai mức thu tiền dạy thêm tại cơ sở dạy thêm và tại các lớp học.
Chương 4.
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Thanh tra, kiểm tra
Hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của Thanh tra giáo dục theo quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ; các cơ quan thanh tra chuyên ngành có liên quan và của chính quyền các cấp theo Thông tư liên tịch của Thanh tra Chính phủ – Bộ Nội vụ số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV ngày 13/3/2013 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 13. Xử lý vi phạm
1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Thông tư số 51/2006/TT-BGDĐT ngày 13/12/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP, Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 08/6/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và các quy định hiện hành.
2. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức và các quy định hiện hành.
3. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm, học thêm dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội sẽ bị xử lý theo các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.
QUYẾT ĐỊNH 09/2013/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU | |||
Số, ký hiệu văn bản | 09/2013/QĐ-UBND | Ngày hiệu lực | 26/08/2013 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Giáo dục - đào tạo |
Ngày ban hành | 16/08/2013 |
Cơ quan ban hành |
Cà Mau |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |