QUYẾT ĐỊNH 10/2006/QĐ-TTG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 06/02/2006

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 10/2006/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2006 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Thuỷ sản tại tờ trình số 903/TTr-BTS ngày 26 tháng 4 năm 2005 và tờ trình số 2814/TTr-BTS ngày 29 tháng 11 năm 2005, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 5319/BKH-TĐ&GSĐT ngày 09 tháng 8 năm 2005,

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển ngành thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, có cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục giữ vững là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao và có tỷ trọng GDP đáng kể trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong các năm tới.

2. Phát triển ngành thủy sản nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng tốt mọi tiềm năng về đất đai, mặt nước và lao động, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học – công nghệ sản xuất; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, có cơ cấu hợp lý giữa khai thác với nuôi trồng, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

II. ĐINH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

1. Tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng, trên cơ sở công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ nghề cá, hình thành các trung tâm nghề cá lớn tại một số trọng điểm ven biển và đồng bằng Nam Bộ.

2. Đa dạng cơ cấu sản phẩm thủy sản chế biến, đồng thời phát triển sản xuất một số loại sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng của thuỷ sản Việt Nam, có giá trị và sức cạnh tranh cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, giữ vững là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao.

3. Đồng thời với phát triển khai thác xa bờ hợp lý, ổn định khai thác vùng ven bờ, phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản, đa dạng hình thức nuôi và cơ cấu giống nuôi, nhất là nuôi trên biển, nhằm khai thác tiềm năng còn lớn, giải quyết việc làm lao động nông thôn ven biển, có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển bền vững, đồng thời là nguồn cung cấp chủ yếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

III. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2010

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng ngành thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá lín, có sức cạnh tranh cao, có kim ngạch xuất khẩu lớn, có khả năng tự đầu tư phát triển, góp phần đáng kể phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là các vùng ven biển, hải đảo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Một số chỉ tiêu tăng trưởng thời kỳ 2006 – 2010:

– Sản lượng tăng với tốc độ bình quân 3,8%/năm;

– Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng với tốc độ bình quân 10,63%/năm;

– Lao động nghề cá tăng bình quân 3%/năm.

b) Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2010 đạt 3,5 – 4 triệu tấn. Trong đó:

– Sản lượng nuôi trồng đạt 2 triệu tấn;

– Sản lượng khai thác hải sản đạt 1,5 – 1,8 triệu tấn;

– Sản lượng khai thác nội địa đạt 0,2 triệu tấn.

c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 4 tûUSD.

d) Số lao động nghề cá năm 2010 đạt 4,7 triệu người.

IV. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Khai thác hải sản

a) Sản lượng khai thác hải sản đến n¨m 2010 giữ mức từ 1,5 – 1,8 triệu tấn (Vịnh Bắc Bộ 0,27 triệu tấn, vùng biển miền Trung 0,37 triệu tấn, vùng biển Đông Nam Bộ 0,71 triệu tấn, vùng biển Tây Nam Bộ 0,2 triệu tấn, vùng giữa biển Đông, cá nổi đại dương và hợp tác khai thác ở vùng biển quốc tế 0,25 triệu tấn).

b) Số lượng tàu thuyền đánh cá đến năm 2010 giữ ở mức 50.000 chiếc, trong đó:

– Số lượng tàu có công suất máy lớn hơn 75 CV: 6.000 chiếc;

– Số lượng tàu có công suất máy từ 46 – 75 CV: 14.000 chiếc;

– Số lượng tàu có công suất máy từ 21 – 45 CV: 20.000 chiếc;

– Số lượng tàu có công suất máy từ 20 CV trở xuống: 10.000 chiếc.

c) Lao động đánh cá giữ ổn định ở mức 0,5 triệu người.

2. Nuôi trồng thủy sản

a) Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đến n¨m 2010 đạt 2 triệu tấn. Trong đó: nuôi nước ngọt đạt 0,98 triệu tấn, nuôi mặn lợ đạt 1,02 triệu tấn (nuôi biển đạt 0,2 triệu tấn).

b) Diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản từ 1,1 – 1,4 triệu ha. Trong đó: diện tích nuôi nước ngọt từ 0,5 – 0,6 triệu ha, diện tích nuôi mặn lợ từ 0,6 – 0,8 triệu ha.

3. Chế biến và xuất khẩu thủy sản

a) Nâng cấp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị các cơ sở chế biến thuỷ sản hiện có và phát triển thêm để nâng tổng công suất cấp đông lên 3.500 – 4.000 tấn/ngày vào năm 2010.

b) Đến năm 2010 các cơ sở chế biến thủy sản (theo phương thức công nghiệp) đều đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản; phấn đấu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ở doanh nghiệp có điều kiện.

c) Đa dạng hoá các mặt hàng thuỷ sản chế biến, nâng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và tươi sống. Đến năm 2010 đưa sản lượng thuỷ sản chế biến xuất khẩu đạt 891.000 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.

4. Phát triển theo các vùng kinh tế – sinh thái

a) Vùng đồng bằng sông Hồng: tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các loại mặt nước ngọt, mặn lợ, đặc biệt các vùng ruộng trũng, eo vịnh với một số đối tượng chủ yếu như: cá rô phi, tôm các loại, cá song, cá giò, cá vược, vẹm xanh, trai cấy ngọc…; nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp hợp lý để khai thác có hiệu quả các ngư trường khai thác trọng điểm và vùng đánh cá chung theo Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có; hình thành các trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển.

b) Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung: tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ, đặc biệt phát huy thế mạnh nuôi biển, tập trung một số đối tượng chủ yếu như: nuôi tôm các loại, sò huyết, bào ngư, trai cấy ngọc, cá song, cá giò, cá hồng …; hình thành các vùng sản xuất giống tập trung; tăng cường đầu tư để phát triển khai thác xa bờ; nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có và phát triển thêm một số nhà máy; hình thành các trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển.

c) Vùng Đông Nam Bộ: phát triển nuôi nước ngọt hồ chứa và nuôi biển với một số đối tượng chủ yếu: cá song, cá giò, cá rô phi, tôm các loại …; đầu tư phát triển hợp lý đội tàu khai thác xa bờ; nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có; hình thành các trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển.

d) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên tất cả các loại mặt nước, đặc biệt nuôi tôm, cá tra, ba sa, sò huyết, nghêu và một số loài cá biển; củng cố và nâng cấp đội tàu đánh bắt xa bờ hiện có; nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có và phát triển thêm một số nhà máy; hình thành các trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá ở vùng ven biển và trong nội đồng.

đ) Vùng miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên: phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhất là nuôi cá hồ chứa, phát triển các mô hình VAC với các đối tượng chủ yếu như: cá rô phi, tôm càng xanh, cá chép, trắm cỏ… phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Chính sách huy động nguồn vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất.

– Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn và công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực của ngành; chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với những vùng còn nhiều khó khăn như vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng núi trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên; ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá… ngoài hải đảo, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư phát huy tiềm năng của các địa phương, phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ nghề cá.

– Cùng với việc cho các doanh nghiệp vay theo quy định, khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng các hình thức phù hợp tham gia trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá theo quy hoạch.

– Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong ngành thuỷ sản, theo h­íngphát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong nước:khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại, các hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nhằm tập trung các nguồn vốn, tạo khối lượng hàng hoá và dịch vụ lớn, tăng sức cạnh tranh; củng cố một số quốc doanh nhằm giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực dịch vụ và chuyển giao công nghệ mới; phát triển kinh tế tư bản tư nhân ở các lĩnh vực của nghề cá; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ cao và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2. Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá

– Tập trung vốn đầu tư xây dựng hình thành các trung tâm nghề cá lớn ở một số nơi vùng ven biển và đồng bằng Nam Bộ có điều kiện địa lý thuận lợi, cộng đồng dân cư có nghề cá là chủ yếu; đồng thời phát triển các tụ điểm nghề cá có quy mô phối hợp ở các vùng ven biển, đồng bằng, vùng núi trung du và Tây Nguyên.

– Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, tạo được những vùng sản xuất tập trung để áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản lượng hàng hóa lớn và ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu gắn với tổ chức lại sản xuất

– Về khai thác hải sản: tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu nghề khai thác ven bờ theo hướng ổn định sản lượng khai thác đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chuyển từ nghề khai thác ven bờ sang nghề khai thác xa bờ, nghề nuôi trồng thuỷ sản hoặc dịch vụ, du lịch… Quản lý chặt chẽ việc đóng mới, cấp giấy phép khai thác để giảm dần số tàu nhỏ khai thác ven bờ, đồng thời duy trì và củng cố số tàu lớn khai thác xa bờ. Phát triển các mô hình tổ chức kinh tế tập thể trong nghề khai thác, tổ chức các đội tàu theo nghề để khai thác có hiệu quả và giúp nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

– Về nuôi trồng: phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản ở tất cả các loại mặt nước, trong đó chú trọng nuôi trồng hải sản trên biển ở vùng ven bờ, gắn với mô hình quản lý cộng đồng, hình thành các hình thức tổ chức kinh tế tập thể, đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động đánh cá chuyển nghề, vừa bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Hình thành những vùng nuôi công nghiệp tập trung có khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho xuất khẩu.

– Về dịch vụ và chế biến: hình thành các trung tâm nghề cá lớn phải gắn với việc xây dựng các khu công nghiệp chế biến công nghệ cao để thu hút khối lượng thuỷ sản nguyên liệu lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị cho các loại sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

4. Về thương mại và phát triển thị trường

– Mở rộng thị trường trong nước: thông qua việc đa dạng các loại sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp khẩu vị, đồng thời chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản đối với vùng núi trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên.

– Về phát triển thị trường xuất khẩu: phát huy lợi thế của quốc gia có biển, lợi thế cạnh tranh của từng loại sản phẩm để có những loại sản phẩm đặc trưng. Tăng cường xúc tiến thương mại, đào tạo cán bộ có năng lực làm công tác thương mại, tăng cường khả năng thông tin và dự báo thị trường… để tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, đặc biệt chú ý vươn tới các thị trường Trung Quốc, châu Phi, các nước ARập, Nam Mỹ…

– Các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tích cực tổ chức tiếp thị trên các thị trường, cả trong nước và nước ngoài, nhanh chóng xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu; đồng thời có các biện pháp chặt chẽ để giữ vững và nâng cao uy tín của thương hiệu.

5. Về khoa học – công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế

– Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học – công nghệ , đồng thời lựa chọn và du nhập công nghệ tiên tiến của nước ngoài tạo đột phá để phát triển nhanh, hiệu quả, đồng thời phù hợp với điều kiện nghề cá nước ta trong các lĩnh vực: sản xuất giống, công nghệ nuôi hải sản trên biển; nghề khai thác xa bờ có hiệu quả; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng cao; bảo quản nguyên liệu thuỷ sản sau thu hoạch; nghiên cứu nguồn lợi biển…

– Tăng cường đào tạo cán bộ khoa học, đặc biệt cán bộ khoa học đầu ngành, đảm bảo có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có đủ khả năng tiếp thu và trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong quá trình hội nhập.

– Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến ngư, nhân rộng các mô hình tốt trong sản xuất; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

– Tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và khu vực thông qua các chương trình, dự án cụ thể, phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành thuỷ sản, thực hiện tốt các hiệp định hợp tác nghề cá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các địa phương chủ động tìm kiếm đối tác để thu hút vốn đầu tư, công nghệ của nước ngoài nhằm tạo nguồn lực cho sự phát triển. Tích cực tìm kiếm và hợp tác với nước ngoài để xuất khẩu lao động nghề cá và hợp tác nghề cá trên tất cả các lĩnh vực.

6. Phát triển nguồn nhân lực

– Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các lĩnh vực ngành thuỷ sản, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Tăng cường các hình thức đào tạo ngắn hạn phù hợp với trình độ, tập quán của lao động nghề cá, phấn đấu mọi lao động nghề cá đều được huấn luyện, đào tạo về tay nghề, có khả năng đáp ứng yêu cầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và yêu cầu của thị trường xuất khẩu lao động.

– Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại để bổ sung, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo có đủ năng lực quản lý ngành trong quá trình phát triển.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm

– Chỉ đạo việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thuỷ sản các vùng kinh tế – sinh thái; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm.

– Tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển thuỷ sản trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm bố trí cân đối vốn đầu tư và đảm bảo các chính sách tài chính để thực hiện tốt quy hoạch.

– Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển thuỷ sản.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển thuỷ sản của địa phương; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng quy hoạch cụ thể; tổ chức thực hiện quy hoạch trong phạm vi của địa phương.

– Xây dựng các chương trình dự án đầu tư cụ thể và triển khai thực hiện; chỉ đạo xây dựng và tổng kết các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phổ biến nhân ra diện rộng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Học viện Hành chính quốc gia;
– VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, XDPL, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, NN (3b). A.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

QUYẾT ĐỊNH 10/2006/QĐ-TTG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 10/2006/QĐ-TTg Ngày hiệu lực 06/02/2006
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo 22/01/2006
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành 11/01/2006
Cơ quan ban hành Thủ tướng chính phủ
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản