QUYẾT ĐỊNH 2200/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN TOÁN HỌC GIAI ĐOẠN 2021 ĐẾN 2030 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 22/12/2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 2200/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN TOÁN HỌC GIAI ĐOẠN 2021 ĐẾN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1501/TTr-BGDĐT ngày 27 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030” (gọi tắt là Chương trình), với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế – xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2030, phấn đấu có 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học, trong đó có ít nhất 02 cơ sở được xếp hạng trong Top 400;

b) Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong Danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 – 2020;

c) Tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ Chương trình so với giai đoạn 2010 – 2020;

d) Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu – phát triển với nhà nước, doanh nghiệp;

đ) Hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 02 công bố trên các tạp chí SCIE;

e) Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018;

g) Xây dựng Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức Toán học:

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cho học sinh, sinh viên; giới thiệu vai trò của Toán học trong mọi mặt của đời sống, đặc biệt là trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

b) Hỗ trợ và phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động quảng bá Toán học như: chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Toán học thế giới (14 tháng 3 hằng năm), Ngày hội Toán học mở, các cuộc tranh tài, Trại hè Toán học;

c) Tư vấn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển các trung tâm ươm tạo tài năng, các không gian trải nghiệm Toán và khoa học.

2. Thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao:

a) Thiết lập hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố;

b) Hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học;

c) Duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước – quốc tế, đặc biệt ở các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành;

d) Hỗ trợ xây dựng và phát triển tạp chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp được xếp trong danh mục các tạp chí uy tín trên thế giới (ECSI/Scopus).

3. Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

a) Tổ chức thường xuyên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các nhóm làm việc phối hợp giữa Trường/Viện – Nhà nước – Doanh nghiệp về các chủ đề Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp;

b) Ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, vận trù học, môi trường và biến đổi khí hậu;

c) Tham gia nghiên cứu, đề xuất, đóng góp xây dựng chính sách; Phối hợp với các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước triển khai một số nhiệm vụ quốc gia có trọng số cao về Toán ứng dụng, đặc biệt là Chương trình chuyển đổi số quốc gia;

d) Tham gia đào tạo nhân tài, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số có hàm lượng Toán học cao như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mật mã và an toàn thông tin, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vận trù học;

đ) Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu tư vấn, phân tích và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

4. Hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán:

a) Tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục Toán học hiện đại và đề xuất cho Việt Nam;

b) Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, học viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán, trong đó chú trọng tính chất liên ngành, kết nối với các môn học khác.

5. Hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán:

a) Tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán học hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ; có chính sách cấp học bổng để thu hút và nâng cao chất lượng sinh viên, học viên ngành Toán;

b) Tổ chức và tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt là thạc sĩ, tiến sĩ) trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp;

c) Triển khai bồi dưỡng giảng viên Toán của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nội dung giảng dạy môn Toán cho các ngành khác, kể cả khoa học xã hội, để nâng cao tính định lượng và chất lượng sử dụng công cụ Toán học;

d) Hỗ trợ xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa các chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học các khoa học về Toán cũng như khối kiến thức Toán học trong các chuyên ngành, lĩnh vực khác.

6. Xây dựng và phát triển Hệ tri thức các khoa học về Toán trong Hệ tri thức Việt số hóa:

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà Toán học Việt Nam, các bộ công cụ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chiến lược phát triển các khoa học về Toán và nguồn nhân lực;

b) Xây dựng hệ thống học liệu, bài giảng, hệ thống kiểm tra đánh giá trực tuyến các môn học ngành Toán bậc đại học, các hoạt động trải nghiệm, phổ biến toán học, ứng dụng liên môn của Toán học dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên;

c) Tổ chức biên dịch, xuất bản, phát hành một số sách chuyên khảo, giáo trình, phần mềm, tạp chí phục vụ đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và giới thiệu các hướng nghiên cứu, ứng dụng thời sự về Toán;

d) Tham gia xây dựng và chuẩn hóa hệ thống học liệu, tài liệu tham khảo chuyên sâu cho học sinh chuyên Toán, Tin học và khoa học liên ngành.

7. Xây dựng, củng cố và phát triển Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và một số trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Toán học mạnh của Việt Nam:

a) Tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế và tập trung đầu tư cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán để trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo đạt trình độ khu vực và thế giới, là hạt nhân kết nối các trung tâm toán học trong và ngoài nước; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước – quốc tế, chú trọng các hướng nghiên cứu mới, hiện đại, liên ngành;

b) Hỗ trợ phát trin một số cơ sở giáo dục đại học tr thành trung tâm toán học mạnh ở miền Bc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam, làđầu tàu phát triển Toán học và hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Chương trình.

8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Toán học:

a) Hỗ trợ phát triển Toán học trong khu vục ASEAN và Châu Á thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo quốc tế, để nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của Toán học Việt Nam;

b) Tổ chức ít nhất 2 hội nghị khoa học tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới trong giai đoạn 2021 – 2030;

c) Thu hút các nhà Toán học quốc tế cũng như các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài đến trao đổi hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tham dự các hoạt động chuyên môn;

d) Phát triển và mở rộng các kênh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo trên cơ sở bền vững và hiệu quả; Triển khai các chương trình, dự án và đề tài hợp tác quốc tế.

III. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước (nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo; sự nghiệp khoa học và công nghệ) bố trí theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành;

b) Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

c) Nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2030.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình;

b) Thành lập Ban Điều hành Chương trình giai đoạn 2021 – 2030 gồm đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Toán học Việt Nam, một số cơ sở giáo dục đại học và cơ sở nghiên cứu về Toán học;

c) Giao Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối thực hiện Chương trình;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất xử lý những vướng mắc, điều chỉnh nội dung của Chương trình nếu cần thiết.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng toán học.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp khoa học và công nghệ để triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng định mức tài chính cho các hoạt động triển khai Chương trình.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ phát triển cơ sở vật chất theo Chương trình được Thủ tướng phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu tư vấn, dự báo và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội và hoạt động của doanh nghiệp.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của Toán học trong mọi mặt của đời sống xã hội.

6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc dự báo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, đặc biệt nhu cầu nhân lực liên quan đến lĩnh vực Toán học.

7. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong phạm vi lĩnh vực, địa phương phụ trách; đề xuất ứng dụng và phát triển toán học đặc thù của ngành và địa phương;

b) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm toán học trực thuộc và trên địa bàn trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động của Chương trình.

8. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, Hội Toán học Việt Nam:

a) Quán triệt và tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình;

b) Tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu – giảng viên, giáo viên đến làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Ban Tuyên giáo trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
– Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam;
– Hội Khuyến học Việt Nam;
– Các cơ sở GD, GDĐH, NC (Bộ GDĐT gửi);
– Các cơ sở GDNN (Bộ LĐTBXH gửi);
– Hội Toán học Việt Nam;
– Hội Tin học Việt Nam;
– Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, TCCV, KTTH, QHQT, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (2b). 
ĐND

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Vũ Đức Đam

QUYẾT ĐỊNH 2200/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA PHÁT TRIỂN TOÁN HỌC GIAI ĐOẠN 2021 ĐẾN 2030 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 2200/QĐ-TTg Ngày hiệu lực 22/12/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Giáo dục - đào tạo
Ngày ban hành 22/12/2020
Cơ quan ban hành Thủ tướng chính phủ
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản