VĂN BẢN HỢP NHẤT 19/VBHN-BGTVT NĂM 2020 HỢP NHẤT THÔNG TƯ VỀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 14/12/2020

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–

Số: 19/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG

Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 2 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không1.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các chức danh nhân viên hàng không, bao gồm:

a) Thành viên tổ lái;

b) Giáo viên huấn luyện bay;

c) Tiếp viên hàng không;

d) Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay;

đ) Nhân viên không lưu;

e) Nhân viên thông báo tin tức hàng không;

g) Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không;

h) Nhân viên khí tượng hàng không;

i) Nhân viên điều độ, khai thác bay;

k) Nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng;

l) Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không;

m) Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;

n) Nhân viên an ninh hàng không;

o) Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.

2. Người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc áp dụng chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với các chức danh nhân viên hàng không quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Chế độ kỷ luật lao động đặc thù

1. Tạm đình chỉ ngay công việc của nhân viên hàng không đang đảm nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

2. Không sử dụng làm việc tại các vị trí chức danh nhân viên hàng không đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Chế độ kỷ luật lao động đặc thù theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này không thay thế các hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên hàng không theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 4. Thẩm quyền áp dụng chế độ kỷ luật lao động đặc thù

Người sử dụng hoặc người được ủy quyền sử dụng nhân viên hàng không có quyền áp dụng chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không khi vi phạm.

Điều 5. Quy định về tạm đình chỉ công việc đối với nhân viên hàng không

1. Nhân viên hàng không bị tạm đình chỉ công việc đang đảm nhận trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm các quy định, nội quy gây uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;

b) Bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự;

c) Tự ý bỏ vị trí làm việc;

d) Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ;

đ) Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;

e) Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;

g) Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định;

h) Đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.

2. Thời gian tạm đình chỉ, chế độ tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động.

Điều 6. Quy định về sử dụng nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù

Không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với các trường hợp sau:

1. Cố ý vi phạm các quy định, nội quy trực tiếp gây tai nạn hàng không hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng.

2. Bị kết án trong các vụ án hình sự.

3. Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.

5. Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác trong quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng

1. Căn cứ quy định của Thông tư này, người sử dụng nhân viên hàng không quy định cụ thể các hành vi vi phạm kỷ luật lao động đặc thù trong nội quy lao động của đơn vị.

2. Người sử dụng nhân viên hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam khi nhân viên hàng không có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, đồng thời báo cáo cho Cảng vụ hàng không trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng không.

32. Người sử dụng nhân viên hàng không có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Cục hàng không Việt Nam về tình hình thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, chi tiết báo cáo như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo tình hình thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không;

b) Nội dung báo cáo: Các nội dung liên quan đến tình hình thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không bay theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;

d) Tần suất báo cáo: Định kỳ 06 tháng và hàng năm;

đ) Thời hạn gửi báo cáo: Đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm trước ngày 20 tháng 6 của kỳ báo cáo. Đối với báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo. Báo cáo 06 tháng cuối năm được thay thế bằng báo cáo năm;

e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo. Đối với báo cáo định kỳ hàng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;

g) Mẫu đề cương báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm

Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành3

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.

Điều 9. Điều khoản thi hành4

1. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
– Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT (để đăng tải);
– Lưu: Văn thư, PC (2).

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Văn Thể

 

PHỤ LỤC I5

MẪU ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TÊN ĐƠN VỊ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————–

Số: ……….

……, ngày…..tháng ….năm…..

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG

Kính gửi: Cục Hàng không Việt Nam

I. Nội dung báo cáo

1. Tình hình vi phạm kỷ luật lao động đặc thù của nhân viên hàng không tại đơn vị trong kỳ báo cáo.

2. Số lượng, tỷ lệ so với tổng số nhân viên hàng không, xu hướng tăng, xu hướng giảm trong kỳ báo cáo và so với kỳ báo cáo năm trước.

– Số nhân viên hàng không có hành vi vi phạm.

– Hoàn cảnh, tình huống khi nhân viên hàng không có hành vi vi phạm.

– Nguyên nhân vi phạm.

3. Tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

4. Biện pháp, giải pháp khắc phục hậu quả, bài học kinh nghiệm.

6. Kết quả xử lý kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không có hành vi vi phạm (hình thức xử lý, áp dụng).

6. Các biện pháp, giải pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong đơn vị (công tác quản lý, giám sát, đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm hoặc các biện pháp hành chính…)

7. Đề xuất, kiến nghị.

I. Biểu mẫu báo cáo tổng hợp

1. Tình hình vi phạm kỷ luật lao động đặc thù của nhân viên hàng không tại đơn vị trong kỳ báo cáo.

STT

Hành vi vi phạm

Số lượng

Hình thức xử lý áp dụng

Ghi chú

Tạm đình chỉ ngay công việc đang đảm nhận

Không sử dụng làm việc tại vị trí NVHK

2. Danh sách nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù

Số TT

Họ và tên

Chức danh, đơn vị, vị trí công việc

Hành vi vi phạm

Hình thức xử lý áp dụng

Ghi chú

 

 

Nơi nhận:
– ………………;
– ………………;
Lưu: VT,….

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, đơn vị)
Họ và tên

 


1 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020 có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không.”.

2 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020 .

3 Điều 6 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020, quy định như sau:

“Điều 6. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.”

4 Điều 7 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020, quy định như sau:

“Điều 7. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng không, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”

5 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.

VĂN BẢN HỢP NHẤT 19/VBHN-BGTVT NĂM 2020 HỢP NHẤT THÔNG TƯ VỀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG DO BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 19/VBHN-BGTVT Ngày hiệu lực 14/12/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Giao thông - vận tải
Ngày ban hành 14/12/2020
Cơ quan ban hành Bộ giao thông vận tải
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản