QUYẾT ĐỊNH 2254/QĐ-TTG VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ, MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ TRONG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI NĂM 2020 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2254/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ, MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ TRONG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020 như sau:
1. Hỗ trợ người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức cụ thể như sau:
a) Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi;
b) Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi;
b) Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.
Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
4. Các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: các quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.
5. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương:
a) Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại;
b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
c) Các quy định khác:
Các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do Dịch tả lợn Châu Phi.
Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có dữ nguồn để thực hiện.
6. Giám sát việc tổ chức hỗ trợ:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương mình quản lý.
b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung được phân công tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung được phân công tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề xuất nguồn vốn phù hợp để tổ chức thực hiện thành công Dự án đầu tư nâng cấp 02 phòng thí nghiệm thú y quốc gia và 02 cơ sở nuôi động vật sạch bệnh đạt chuẩn quốc tế với mức an toàn sinh học cấp độ III trở lên theo quy định tại Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ để bảo đảm an toàn trong chẩn đoán, xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch và nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin, chế phẩm sinh học (kể cả nguồn dự phòng ngân sách trung ương).
4. Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Quyết định này và số thực chi từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), xem xét, hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho từng địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện phòng chống dịch, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo). Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bổ sung một phần kinh phí cho địa phương để thực hiện (tối đa 70% mức ngân sách trung ương hỗ trợ: riêng kinh phí hỗ trợ tổ chức, cá nhân có lợn buộc phải tiêu hủy theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tạm cấp bổ sung 100% mức ngân sách trung ương dự kiến phải hỗ trợ để có nguồn lực phục vụ tái đàn). Kết thúc đợt dịch bệnh hoặc cuối năm, địa phương có báo cáo kết quả thực hiện chi ngân sách cho công tác phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi, để Bộ Tài chính bổ sung thêm từ ngân sách trung ương (trường hợp thiếu kinh phí) hoặc thu hồi về ngân sách trung ương (trường hợp dư kinh phí) theo chế độ quy định.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung được phân công tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ;
b) Quyết định hoặc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định thành phần và mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện việc tiêu hủy lợn, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, phục vụ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật; trực phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị và tham gia triển khai các nhiệm vụ tại cơ sở; thống kê đàn vật nuôi, xác định, xác nhận thiệt hại do dịch bệnh (gọi chung là người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật) với mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương (150.000 đồng/người/ngày làm việc; 250.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế và tình hình biến động giá cả thị trường tại địa phương quyết định mức hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong triển khai hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật (ngân sách địa phương đảm bảo phần kinh phí tăng thêm so với quy định; ngân sách trung ương không hỗ trợ).
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này áp dụng để thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có trách nhiệm đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất việc hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn tiếp theo (nếu có).
2. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; – Ngân hàng Chính sách Xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, NN (3b).Loan |
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |
QUYẾT ĐỊNH 2254/QĐ-TTG VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ, MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ TRONG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI NĂM 2020 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 2254/QĐ-TTg | Ngày hiệu lực | 30/12/2020 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài chính công |
Ngày ban hành | 30/12/2020 |
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |