100. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo được ghi rõ theo điều 17 của Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng. Bên cạnh đó, dựa trên Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2018, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp đầy đủ và cụ thể hơn những thông tin về Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo.

1. Khái niệm

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật khiếu nại 2011 thì Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật tố cáo 2018 đã quy định một số khái niệm chung về tố cáo, cụ thể: Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

Điều 17 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động, nếu có khiếu nại, tố cáo thì việc điều tra lại tai nạn lao động thực hiện như sau:

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo;

– Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động (Đoàn Điều tra lao động cấp tỉnh) để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động; đồng thời, thông báo bằng văn bản Kết quả Điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết, trường hợp không tiến hành điều tra lại thì phải nêu rõ lý do.

– Cơ sở để xảy ra tai nạn lao động và Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh;

– Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương.

Lưu ý:

–  Kết luận của Đoàn Điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương là kết luận cuối cùng.

– Biên bản Điều tra tai nạn lao động trước đó sẽ hết hiệu lực pháp lý khi Biên bản Điều tra lại được công bố.

Kết luận: Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo được quy định cụ thể tại Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2018, điều 17 của Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

Thủ tục Nội dung