38. Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể các quy định này qua Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 40/2019/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.
Điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định Chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.
2. Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường
Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP thì chất thải rắn công nghiệp thông thường được chia làm 03 nhóm:
– Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất;
– Nhóm chất thải rắn sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;
– Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý bằng các phương pháp đốt, chôn lấp, hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và phương pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan;
Trường hợp chất thải rắn công nghiệp thông thường không được phân loại, phải được xử lý theo quy định tại điểm c Khoản này.
3. Trách nhiệm quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
– Khoản 13 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định Chủ nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm:
+ Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường
+ Chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho các đối tượng được quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP
+ Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho mỗi lần chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường
+ Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo các yêu cầu được quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP
+ Lập báo cáo định kỳ
– Khoản 16 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm:
+ Có phương tiện vận chuyển, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý tương ứng quy định tại điểm A và điểm B Phụ lục III Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
+ Bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (kể cả sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường, sau đây gọi chung là xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường) đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại điểm C Phụ lục III Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
+ Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
+ Lập báo cáo định kỳ
+ Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong thời gian không qua 06 tháng kể từ khi chấm dứt hoạt động.
– Điều 34 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
+ Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (khoản 17 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP)
+ Tổ chức quản lý, kiểm tra hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo liên quan đến chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo thẩm quyền.
+ Tổ chức xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
+ Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường.
– Khoản 18 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
Tổ chức cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh; hàng năm thống kê, tổng hợp, cập nhật về tình hình phát sinh, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại địa phương và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi; thời hạn của báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo
4. Yêu cầu đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Điều 32 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Khoản 15 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:
– Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.
– Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
– Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
– Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.
– Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
– Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.
Kết luận: Cá nhân, tổ chức liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải thực hiện trách nhiệm của mình về quản lý chất thải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 40/2019/NĐ-CP để không bị xử lý vi phạm.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Thủ tục | Nội dung |
---|