NGHỊ QUYẾT 205/NQ-HĐND NĂM 2020 VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025 DO TỈNH LÂM ĐỒNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 10/12/2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 205/NQ-HĐND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 5 NĂM 2021 – 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 9800/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, gắn với liên kết thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao. Phát triển công nghiệp có chọn lọc. Phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng – an ninh. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Điều 2: Mục tiêu cụ thể, phấn đấu

– Đến năm 2025: Là tỉnh phát triển khá của cả nước.

– Đến năm 2030: Là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách trung ương.

– Đến năm 2045: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 3: Các chỉ tiêu chủ yếu, khâu đột phá, công trình trọng điểm

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7% – 8%; trong đó: khu vực nông, lâm, thủy tăng 4,5% – 5%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 9,5% – 11%; khu vực dịch vụ tăng 8% – 9%.

b) Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2025, khu vực nông, lâm, thủy chiếm tỷ lệ 35% – 36,5%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ 22% – 23,5%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 42% – 43,5%.

c) GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 120 – 125 triệu đồng (tương đương khoảng 5.148 – 5.363 USD); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 8% – 9%.

d) Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35% – 36% GRDP.

đ) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 11% – 12%/năm; trong đó, thu thuế, phí, lệ phí tăng bình quân 12 – 14%/năm; phấn đấu đến năm 2025, ngân sách địa phương cơ bản cân đối nhu cầu chi thường xuyên.

e) Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm khoảng 14% – 15%; đến năm 2025 đạt khoảng 1.610 triệu USD.

g) Lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12% – 13% tổng lượng khách qua lưu trú.

h) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 85% – 86,5%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng cấp, chứng chỉ chiếm 23,6%.

i) Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%; trong đó, khu vực thành thị dưới 2%.

k) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm ít nhất từ 1% – 1,5% (theo chuẩn giảm nghèo mới giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ); trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2% – 3%.

l) Có 8,5 – 9 bác sĩ/vạn dân; 24 – 25 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 95%; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

m) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2025 khoảng 1%.

n) Đến năm 2025, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục – xóa mù chữ; 82% thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương; có từ 82% trở lên trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia.

o) Phấn đấu đến năm 2025, có 92% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 95% thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

p) Lâm Đồng đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước năm 2025; trong đó, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 10% – 15%; Đơn Dương và Đạ Tẻh là huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

q) Đến năm 2025, có ít nhất 95% rác thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ hộ dân vùng đô thị sử dụng nước sạch đạt 80% trở lên; tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%.

r) Duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng trên 55%.

2. Các khâu đột phá:

a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử.

b) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

c) Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế – xã hội; phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; phát triển du lịch chất lượng cao.

d) Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin – truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số… gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Các công trình trọng điểm:

a) Tiếp tục triển khai đầu tư 08 công trình trọng điểm của giai đoạn 2016 – 2020 đó là: Khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng; Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; Khu công nghiệp – nông nghiệp Tân Phú; Khu trung tâm Hòa Bình; dự án cấp, thu gom xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Bảo Lộc; Khu du lịch hồ Đại Ninh; hồ chứa nước Đông Thanh; hồ chứa nước Kazam.

b) Đầu tư mới 09 công trình: Khu du lịch Hồ Prenn; Khu công nghiệp Phú Bình; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng; Khu du lịch núi Sa Pung, thành phố Bảo Lộc; xây dựng Khu đô thị Liên Khương – Prenn; Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng; hồ chứa nước Ta Hoét; đầu tư nâng cấp các Quốc lộ 27 (đoạn Phi Nôm – cầu K’Rông Nô), 27C, 28B, 55.

Điều 4. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Về nông, lâm nghiệp, nông thôn mới:

– Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, trong đó tập trung đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước và vùng Tây Nguyên. Thực hiện có hiệu quả Dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường, xuất khẩu. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp cơ bản đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giao thông nội đồng.

– Tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung trên cơ sở phát triển các trang trại chăn nuôi công nghệ cao.

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp; khôi phục rừng trên đất bị lấn chiếm thông qua việc huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.

– Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát huy vai trò chủ thể của người dân; huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, phù hợp với từng khu vực.

2. Về công nghiệp – xây dựng:

– Tập trung chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế và có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp chế biến sâu; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; nâng tỷ lệ lấp đầy các tại khu công nghiệp. Triển khai lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bình và Khu công nghiệp – nông nghiệp Tân Phú. Đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị nông sản.

– Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong tỉnh. Huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Huy động các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị.

3. Về du lịch, dịch vụ, thương mại:

– Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường để mở rộng không gian du lịch theo quy hoạch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh và thật sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, hướng tới phát triển du lịch thông minh. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm.

– Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại; nâng cao chất lượng vận tải đường bộ, đường hàng không; tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức và logistics; tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải.

– Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng qua chế biến có lợi thế về nguyên liệu của địa phương. Chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ưu tiên nhập khẩu thiết bị công nghệ mới, hiện đại; hạn chế nhập khẩu hàng hoá vật tư, thiết bị cũng như hàng tiêu dùng mà trong nước có thể sản xuất.

4. Về điều hành ngân sách:

– Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phấn đấu đến năm 2025, ngân sách địa phương cơ bản cân đối nhu cầu chi thường xuyên; tập trung rà soát, cắt giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; phấn đấu đến hết năm 2025, chi đầu tư phát triển đạt từ 30% tổng chi cân đối ngân sách; quản lý chặt chẽ nợ công. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi hợp lý để tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh, tăng tỷ lệ tự chủ của ngân sách cấp huyện, xã.

– Ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp; gắn tăng trưởng tín dụng với kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả hoạt động cho vay. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng và đẩy mạnh thanh toán điện tử nhất là trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí,…; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

5. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Quy hoạch; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để tạo ra sức mạnh chung của nền kinh tế. Xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục đầu tư, nâng cấp đô thị thành phố Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại 2; huyện Đức Trọng thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại 3; thị trấn Di Linh, Thạnh Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại 4. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư Khu đô thị Liên Khương – Prenn trở thành đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục quan tâm đầu tư, mở rộng không gian đô thị Đà Lạt đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các đô thị hiện có trên địa bàn.

– Tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo các hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thuỷ lợi… gắn với quy hoạch phát triển vùng tỉnh và huyện; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet…, tạo cơ sở chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án, công trình theo đúng tiến độ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đối với các dự án đầu tư công.

6. Về thu hút đầu tư:

– Thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.

– Tiếp tục cơ cấu lại các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết. Đổi mới, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm triển khai dự án. Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

7. Về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã:

– Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh; tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh. Tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh và cống hiến cho xã hội.

– Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã. Chú trọng phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

8. Về tài nguyên môi trường:

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; nâng cao năng lực giám sát về môi trường và biến đổi khí hậu, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và thảm họa môi trường; khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Huy động nguồn lực tập trung đầu tư, nâng cao năng lực thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các thị trấn, thị tứ. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, chuyên môn về xử lý rác thải đầu tư vào địa phương.

9. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế:

– Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Phát triển thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, theo chuẩn quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

– Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, tập trung phát triển một số ngành khoa học mũi nhọn, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh.

– Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống. Phát triển đồng bộ, hiện đại mạng lưới y tế; nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế. Chú trọng công tác y tế dự phòng, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh dịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với lộ trình đã đề ra.

– Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kết luận về phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tinh thần nhân văn, dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Phát triển mạnh các phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin, truyền thông. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; bảo đảm phát triển và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý và phát triển các loại hình thông tin trên mạng Internet.

10. Về an sinh xã hội:

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên; quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa. Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, công tác bình đẳng giới, chăm sóc người cao tuổi; chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người khuyết tật; chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách an sinh xã hội khác. Tập trung thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và các định hướng giảm nghèo của Trung ương; ưu tiên nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo có nhà ở, có sinh kế, phương tiện sản xuất. Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội; giải quyết tốt các vấn đề về dân di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân tộc thiểu số.

11. Về quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội:

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân”. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc. Xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh. Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đẩy mạnh công tác đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

12. Về cải cách hành chính:

Thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với Đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI); tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công và cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy sự năng động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.

13. Đẩy mạnh việc phân cấp trong hệ thống hành chính đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi công vụ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố hoạt động Trung tâm hành chính công; xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh. Kịp thời đề xuất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân và các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện và giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa IX, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH



Trần Đức Quận

 

NGHỊ QUYẾT 205/NQ-HĐND NĂM 2020 VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025 DO TỈNH LÂM ĐỒNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 205/NQ-HĐND Ngày hiệu lực 10/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Đầu tư
Thương mại
Tài chính công
Ngày ban hành 10/12/2020
Cơ quan ban hành Lâm Đồng
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản